Giám đốc Trung tâm công viên cây xanh Huế Lê Như Chinh cho biết khu vực xung quanh nền đài của lầu Quan Phong (cao chừng 2 m, xây dựng bằng gạch vồ dưới triều Nguyễn) đã được xe múc, xe ủi san phẳng để lấy mặt bằng. Nhiều năm qua, khu vực này bị cây dại phủ kín.
Đơn vị đang thi công đường đi bộ xung quanh cồn Dã Viên. Đường rộng 4,5 m, được lót đá và có hệ thống đèn điện. Hệ thống đường này sẽ khai thác không gian cảnh quan dọc bờ sông; hình thành trục giao thông xuyên suốt.
"Cồn Dã Viên được chỉnh trang nhằm hình thành không gian công cộng, đồng bộ cảnh quan khu vực, góp phần tạo nơi vui chơi, thể thao cho người dân và du khách", ông Chinh nói.
Khảo sát cồn Dã Viên mới đây, ông Nguyễn Văn Phương, Chủ tịch tỉnh Thừa Thiên Huế, yêu cầu khi chỉnh trang đảm bảo hệ thống cây xanh phù hợp với thực trạng cồn. Quá trình thực hiện cũng phải giữ lại hàng cau, hàng dừa, cây ăn quả... để tạo điểm nhấn.
Cồn Dã Viên rộng khoảng 10,5 ha, là một cồn nhỏ sa bồi nằm ở đoạn trung lưu sông Hương, phía tây nam kinh thành Huế. Các nhà quy hoạch kiến trúc xem cồn Dã Viên và cồn Hến là "rồng chầu hổ phục". Cồn Hến được gọi là "tả thanh long" và cồn Dã Viên được gọi là "hữu bạch hổ".
Trước đây, cồn Dã Viên được quy hoạch có không gian lưu trú (khoảng 120 nhà vườn) đan xen trong các khu vườn sinh cảnh. Theo quy hoạch chi tiết hai bờ sông Hương mới, cồn Dã Viên sẽ trở thành khu văn hóa đa năng, không có dịch vụ lưu trú với các công trình được thiết kế truyền thống, bảo tồn các giá trị lịch sử, phù hợp với cảnh quan.
Võ Thạnh