Chiều 10/10, trả lời VnExpress về việc tỉnh Thừa Thiên Huế dự kiến chi gần 2.800 tỷ đồng để di dời hơn 4.200 hộ dân khỏi khu vực I di tích Kinh thành, ông Phan Ngọc Thọ - Chủ tịch tỉnh cho biết, đa số hộ dân ở đây là lao động nghèo và sinh sống trong điều kiện rất khó khăn, nhà cửa không được cơi nới xây dựng trong nhiều năm.
"Qua nhiều lần khảo sát, chúng tôi thấy bà con đều mong muốn được di dời và mục đích của việc này cũng nhằm đảm bảo cuộc sống người dân tốt hơn, đồng thời bảo vệ di tích cũng như cảnh quan môi trường, đô thị Huế ", ông Thọ nói.
Theo lãnh đạo Thừa Thiên Huế, tỉnh đã lập đề án di dời và trình lên Thủ tướng, do đề án cần nguồn kinh phí lớn trong khi ngân sách của tỉnh khó khăn nên "hy vọng Trung ương sẽ sớm hỗ trợ vì đây là việc rất cấp bách với địa phương".
"Nhiều nơi người ta giải phóng mặt bằng để thương mại hóa, nhưng phần lớn diện tích được thu hồi ở Kinh thành Huế sẽ trả lại cho di tích, tùy công năng mà tôn tạo phục hồi", ông Thọ nhấn mạnh.
Ông Phan Văn Tuấn - Phó giám đốc Trung tâm bảo tồn di tích Huế thông tin, việc di dời các hộ dân được chia làm hai giai đoạn, từ năm 2019 đến 2021 và 2022 đến 2025. Kinh phí thực hiện đề án hơn 4.000 tỷ đồng, trong đó đền bù giải tỏa mặt bằng trên 2.800 tỷ đồng và gần 1.400 tỷ xây dựng khu tái định cư cho người dân với diện tích 73 ha tại phường Hương Long.
Trong khi chờ ngân sách Trung ương hỗ trợ, tỉnh giao Trung tâm bảo tồn di tích cố đô Huế mỗi năm trích 100-150 tỷ đồng từ tiền bán vé tham quan di tích và các nguồn khác để chuẩn bị cho việc di dời, giải tỏa các hộ dân. Trong đó, tập trung di dời các hộ dân ở khu vực Thượng Thành, Eo Bầu và Hộ thành hào.
"Hiện nguyện vọng người dân rất khác nhau, có người mong muốn nhận đất xây nhà, có hộ muốn ở chung cư. Tùy trường hợp, chúng tôi sẽ có phương án tái định cư phù hợp và vận dụng quy định để tạo điều cho người dân", ông Tuấn nói.
Lãnh đạo Trung tâm bảo tồn di tích Huế cho hay, thời gian tới, khi Huế giải tỏa được các hộ dân khỏi Kinh thành Huế thì địa phương sẽ có điều kiện xây dựng các sản phẩm du lịch mới.
"Chúng tôi dự kiến phục dựng lại khu vực Eo Bầu là nơi bố trí thiết chế quân sự như súng ống, đường kéo pháo và tạo lối đi bộ trên Thượng Thành. Đối với Hộ thành hào sẽ làm hệ thống du lịch đường thủy nhưng phải nạo vét và tu bổ lại", ông Tuấn nói.
Nhiều người dân mong muốn được di dời
Gia đình bà Dương Thị Kho (58 tuổi) với 7 thành viên đã sinh sống 30 năm trong căn nhà cấp 4 lợp mái tôn rộng khoảng 60 m ở khu vực Thượng Thành, tổ 14 phường Thuận Lộc (TP Huế).
"Chúng tôi vốn là cư dân vạn đò trên sông Hương, sau trận bão lịch sử năm 1985, gia đình lên bờ định cư nhưng sống ở đây khổ lắm. Mùa hè thì nóng, đến mùa mưa bão không biết nhà sập lúc nào, muốn xây cho kiên cố nhưng không được vì đây là khu vực di tích”, bà Kho nói và cho biết mong muốn sớm di dời đến nơi ở mới.
Về nguyện vọng tái định cư, bà Kho nói gia đình làm nghề buôn bán hải sản nên nếu chính quyền bố trí chung cư thì "rất khó làm ăn"; do vậy bà mong muốn được phân đất ở.
Cách nhà bà Kho không xa, trong căn hộ rộng khoảng 50m2 được lợp tạm mái tôn là nơi trú ngụ của 7 thành viên trong gia đình ông Võ Hữu Tùng (51 tuổi).
“Con trai tôi lớn rồi, gia đình cần một mảnh đất để xây dựng nhà kiên cố, sinh sống lâu dài nên nghe tin tỉnh có kế hoạch di dời thì chúng tôi rất mừng”, ông Tùng chia sẻ.
Bà Phan Thị Cúc, Chủ tịch UBND phường Thuận Lộc cho hay, trên địa bàn có 508 hộ sống ở khu vực Thượng Thành, Eo Bầu.
"Cứ đến mùa mưa bão, phường phải mua đất cát đóng thành bao để người dân chằng chống nhà cửa. Đa số bà con đều mong muốn sớm di dời để ổn định cuộc sống", bà Cúc nói.
Kinh thành Huế xây dựng dưới thời vua Gia Long, vua Minh Mạng với diện tích 520 ha.
Năm 1993, quần thể di tích Huế được UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới, khu Eo Bầu, Thượng Thành và các di tích nằm trong Kinh thành Huế trở thành khu vực I - nơi cấm xây dựng, giữ nguyên hiện trạng.
Trong khi đó, hàng chục năm qua, khu vực trên có hàng nghìn hộ dân sinh sống trong những ngôi nhà tạm bợ. Rác thải sinh hoạt của người dân nơi đây chất đống dưới chân tường thành đã khiến hình ảnh di tích trở nên nhếch nhác.