Thứ ba, 13/3/2018, 15:22 (GMT+7)

Hubert de Givenchy - từ cậu bé mồ côi cha đến huyền thoại thiết kế thời trang

Suốt nửa thế kỷ 20, Givenchy góp phần đưa Paris tới đỉnh cao thời trang thế giới với những thiết kế phủ đầy chất sang trọng và tinh tế. 

Ngày 10/3, tại tòa lâu đài Renaissance gần Paris (Pháp), huyền thoại thiết kế Hubert de Givenchy ra đi trong giấc ngủ yên bình ở tuổi 91. Suốt cuộc đời, Givenchy đoạt vô số thành tựu, trong đó có giải thưởng danh giá Chevalier de la Légion d'Honneur năm 1983 và giải "Thành tựu trọn đời" của Hội đồng Thiết kế thời trang Mỹ năm 1995. Ông được coi là biểu tượng của sự sang trọng đậm chất Paris hơn nửa thế kỷ, là một trong số những nhà sáng tạo đặt Paris vào đỉnh cao của thời trang thế giới những năm 1950. Givenchy đã cách mạng hóa thời trang quốc tế trong việc tạo ra những hình ảnh vượt thời gian cho một số nhân vật có tầm ảnh hưởng lớn toàn cầu. 

Hubert James Taffin de Givenchy. Ảnh: Vogue.

Hubert James Taffin de Givenchy sinh ngày 20/2/1927 tại Beauvais, Oise (Pháp) trong gia đình dòng dõi quý tộc. Ông là con trai của hầu tước Lucien Taffin de Givenchy (1888 - 1930). Gia đình Taffin de Givenchy có nguồn gốc từ Venice, Italy (họ gốc là Taffini). Givenchy có một anh trai, Jean-Claude de Givenchy (1925 - 2009), người kế thừa của dòng họ và sau này trở thành người điều hành sản phẩm nước hoa của đế chế Givenchy. 

Năm 1930, hầu tước Lucien Taffin de Givenchy chết vì bệnh cúm. Mồ côi cha khi mới lên ba tuổi, cậu bé Givenchy được nuôi dưỡng bởi mẹ và bà ngoại Marguerite Dieterle Badin - nghệ sĩ, giám đốc của nhà máy Gobelins nổi tiếng, cũng là người đứng đầu các nhà máy sản xuất vải ở Beauvais (Pháp). Ông ngoại của Givenchy, Jules Dieterle, là một nhà thiết kế, người đã tạo ra các bộ đồ cho công nhân nhà máy ở Beauvais và 13 bộ trang phục cho Cung điện Elysée nổi tiếng.

Sinh thời, hầu tước Lucien Taffin de Givenchy từng kỳ vọng con trai trở thành luật sư. Nhưng sống giữa môi trường may mặc cùng nghệ nhân ở các xưởng thủ công tinh xảo từ bé, Givenchy sớm có mối quan tâm đặc biệt đến vải vóc. Lên 10 tuổi, cậu cùng gia đình đến thăm một hội chợ ở Paris do Jeanne Lanvin tổ chức, trong đó có Chanel, Elsa Schiaparelli và các nhà thiết kế khác. Đó là khoảnh khắc Givenchy nhận ra niềm đam mê thời trang, sau này trở thành sự nghiệp của ông. Trong một cuộc trò chuyện tại Đại học Oxford vào năm 2010, Givenchy nhớ lại: "Tôi luôn ước mơ trở thành nhà thiết kế trang phục và mẹ tôi đã ủng hộ quyết định đó".

Năm 17 tuổi, chàng thanh niên có mái tóc màu cát rời Paris để theo học tại trường nghệ thuật École des Beaux-Arts. Năm 1945, thông qua mối quan hệ của gia đình, Givenchy bắt đầu học nghề với Jacques Fath - huyền thoại thiết kế thời trang người Pháp, được coi là một trong ba nhân vật có tầm ảnh hưởng vĩ đại đến thời trang cao cấp sau Thế chiến hai, cùng Christian Dior và Pierre Balmain.

Chỉ sau một thời gian ngắn, Givenchy đã được làm việc trong các xưởng của nhà thiết kế Thụy Sĩ Robert Piguet. Từ năm 1947 đến năm 1952, Givenchy làm việc cho huyền thoại Elsa Schiaparelli lập dị và bắt đầu mơ về việc mở một ngôi nhà thời trang mang tên mình trong bối cảnh những nhà thiết kế hàng đầu như Edward Molyneux, thậm chí Robert Piguet đang chuẩn bị đóng cửa vì không kham nổi chi phí đầu tư các loại vải cao cấp.

Áo sơ mi lụa Bettina trứ danh của Hubert de Givenchy. Ảnh: Vogue.

Năm 1952, Givenchy mở cửa hàng đầu tiên ở khu Plaine Monceau, Paris. Ở tuổi 25, Givenchy là nhà thiết kế trẻ nhất trong lịch sử thời trang Pháp có thương hiệu riêng bấy giờ. Ngày 3/3/1952, ngay sau khi bộ sưu tập đầu tiên - Bettina Graziani - ra đời, tạp chí Life đã dành bốn trang bài viết với nhan đề: "Givenchy, một cái tên mới của Paris" để ca tụng chàng trai trẻ. 

Hậu trường chuẩn bị show diễn đầu tiên trong sự nghiệp của Givenchy năm 1952.

Điểm gây ấn tượng mạnh của Givenchy là ông sử dụng toàn bộ vải siêu rẻ với chi phí chỉ khoảng một phần ba so với các đối thủ cạnh tranh. Nó được đánh giá là chiến lược vô cùng thực tế và khôn ngoan trong thời buổi kinh tế khó khăn. Trong bộ sưu tập ấy, áo sơ mi lụa Bettina ghi dấu ấn mạnh mẽ hơn cả. Với hai cánh tay xếp bèo lấy cảm hứng từ trang phục của những vũ công flamenco, thiết kế trở thành kiệt tác kinh điển. Tạp chí Life viết: "Givenchy đã ghi tên mình vào bản đồ thời trang thế giới với bộ sưu tập chỉ gồm chín trang phục diễn ra trong một phòng trưng bày nhỏ ở số 8 Rue Alfred de Vigny (Paris)". Bettina Graziani thành công đến mức bán được xấp xỉ 1 triệu euro lúc bấy giờ.

Sau khởi đầu thành công ấy, nhà thiết kế trẻ tuổi chuyển đến New York và được người Mỹ ưa chuộng. Tại đây, Givenchy gặp được thần tượng Cristóbal Balenciaga - nhà thiết kế gốc Tây Ban Nha, người đứng đầu giới thiết kế ở Paris. Năm 1959, Givenchy chuyển văn phòng của mình qua xưởng của Balenciaga trên đại lộ George V. Hai người trở thành bạn thân cho đến khi Balenciaga qua đời vào năm 1972. 

Tình bạn đặc biệt đó ảnh hưởng sâu sắc và quan trọng, tạo nên một bước ngoặt mang tính quyết định trong phong cách thiết kế của Givenchy suốt cuộc đời. Cùng Balenciaga, Givenchy sáng tạo nên những mẫu thiết kế đáng nhớ như áo choàng và đầm. Từ những phom dáng cơ bản, Givenchy phát triển chúng thành những thiết kế có kết cấu chuẩn mực thanh lịch, tinh tế nhưng vẫn phóng khoáng. Vẻ thanh lịch, cổ điển và nữ tính là tôn chỉ sáng tạo của Givenchy cho tới mãi về sau. Năm 2007, dù là tín đồ của đạo Tin lành, Givenchy nói với Women's Wear Daily: "Tôi coi tài năng của mình như một món quà của thượng đế. Balenciaga chính là tôn giáo của tôi. Đối với tôi, có Balenciaga là có Chúa trời". 

Trong những năm 1950, Givenchy đã tạo nên một làn gió mới dẫn dắt phong cách ăn mặc của phụ nữ Pháp. Những sáng tạo mang tính biểu tượng của ông gồm áo tay phồng, áo khoác balloon giấu đường cong, váy baby doll và quần lửng ống loe đã thay thế cho loại áo ôm eo cùng những đường cong nhân tạo kiểu "New Look" của Christian Dior lúc bấy giờ. Hàng loạt tạp chí thời trang đình đám hết lời tán dương Givenchy, gọi ông là biểu tượng của một thế hệ những nhà thiết kế lịch lãm bậc nhất trong lịch sử.

Givenchy thiết kế trang phục cho Audrey Hepburn tại xưởng may năm 1956.

Trong bản danh sách khách hàng của Givenchy với toàn những tên tuổi thuộc giới quý tộc, thượng lưu hay phu nhân của các chính khách như Jacqueline Kennedy, đáng chú ý nhất là ngôi sao trẻ đang lên - Audrey Hepburn. Hepburn say mê những thiết kế trẻ trung của Givenchy đến nỗi cô mặc thiết kế của ông cho hầu hết phim của mình, như Funny Face, Love in the Afternoon, Paris When it Sizzles, Charade, Love Among Thieves... 

* Bộ váy đen kinh điển Givenchy thiết kế cho Audrey Hepburn trong Breakfast at Tiffany's

Váy của Audrey Hepburn
 
 
Minh tinh Audrey Hepburn trong những thiết kế mang tính biểu tượng của Hubert de Givenchy. Từ trái sang: đầm hoa ở thảm đỏ Oscar 1954 - một trong những bộ váy đẹp nhất lịch sử lễ trao giải, đầm đen cổ điển trong phim "Breakfast at Tiffany's" (1961), đầm thêu hoa trong phim "Sabrina" (1954). Ảnh: Vogue, Nytimes, Guardian.

Nhà thiết kế cũng chính là người tạo dựng phong cách cho Audrey Hepburn trên con đường nữ diễn viên trở thành biểu tượng thời trang và nhan sắc mọi thời đại. Trong suốt ba thập niên sau khi quen nhau vào năm 1963, Hepburn và Givenchy vô số lần tạo ra những khoảnh khắc thời trang kinh điển. Trong đó không thể không nhắc tới bộ váy đen trong Breakfast at Tiffany's năm 1961. Mặc dù Coco Chanel mới là người sáng tạo nên khái niệm về "little black dress", song với Hepburn, cô chỉ biết tới Hubert de Givenchy. Bộ váy ôm dáng đơn giản với bốn sợi dây ngọc trai vắt sau vai, găng tay dài màu đen đi kèm ấy đã trở thành hình ảnh mẫu mực và lý tưởng của tầng lớp người giàu có sống ở New York. Năm 2006, chiếc váy được bán tại một cuộc đấu giá từ thiện ở London với giá 923.187 USD (khoảng 21 tỷ đồng).

* Givenchy và Audrey Hepburn tạo dựng tình bạn đẹp thông qua thời trang

Không chỉ tạo dựng phong cách ăn vận cho Audrey Hepburn, Givenchy còn phát triển bộ sưu tập nước hoa đầu tiên dành cho cô mang tên L'Interdit và Le de Givenchy. Minh tinh Hollywood nghiễm nhiên là gương mặt đại diện của mùi hương ấy. Và đó là lần đầu tiên một ngôi sao trở thành bộ mặt của một chiến dịch quảng cáo mùi hương hoàn toàn vì tình bạn, không có chút cát-xê nào.

Sau 36 năm một mình chèo lái thương hiệu đi từ thành công này đến thành công khác, năm 1988, Givenchy đã bán ngôi nhà thời trang của mình cho tập đoàn hàng xa xỉ của Pháp LVMH và tiếp tục thiết kế cho đến khi nghỉ hưu vào năm 1995. Chỉ vài giờ sau khi ông ra mắt bộ sưu tập cuối cùng, hãng mốt tuyên bố người kế nhiệm là nhà thiết kế nổi tiếng người Anh John Galliano. Năm 2005, nhãn hiệu này đã được trao cho nhà thiết kế người Italy Riccardo Tisci. 

* Bộ sưu tập cuối cùng của Hubert de Givenchy năm 1995

BST cuối cùng của Hubert de Givenchy
 
 

Ở ngôi nhà Givenchy, Tisci đã viết nên một trang sử mới khiến Bernard Arnault, giám đốc điều hành của LVMH phải thốt lên "đó là điều không thể tin được". Tisci đã biến Givenchy trở thành một nhãn hiệu thành công bậc nhất, kết nối hoàn hảo giữa phong cách trẻ trung, đầy nhiệt huyết của bản thân với những di sản của Hubert de Givenchy. Thậm chí, Tisci còn có phần nhỉnh hơn khi đưa ra một sự kết hợp được đánh giá là kỳ diệu giữa tính thẩm mỹ và sự năng động - điều mà trước đây Hubert de Givenchy hầu như không chú ý. 

Những thiết kế mang đậm dấu ấn của Hubert de Givenchy. Ảnh: Vogue, Nytimes, Guardian.

Trước thành công khó đo đếm của Tisci, trong một cuộc phỏng vấn với Women's Wear Daily năm 2007, Givenchy không giấu nổi nét âu sầu: "Tôi đang đau khổ. Điều đang xảy ra không làm tôi hạnh phúc. Rốt cuộc, người ta cũng chỉ chú ý đến tên tuổi của nhà thiết kế thay vì tên thương hiệu". Tháng 3/2017, Clare Waight Keller thay thế Riccardo Tisci, trở thành người phụ nữ đầu tiên điều hành nhà mốt cho tới nay.

Givenchy là nhà thiết kế hiếm hoi duy trì sự độc lập về tài chính trên con đường sự nghiệp của mình. Ông cũng là chủ tịch sáng lập Quỹ Cristóbal Balenciaga, mở ra một bảo tàng dành riêng cho người bạn thân Balenciaga ở Getaria (Tây Ban Nha) vào năm 2011. Từ khi nghỉ hưu, Givenchy vẫn hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật, là chuyên gia đồ cổ cho công ty Christie's, Château de Versailles và Bảo tàng Louvre. Ông cũng quản lý Quỹ Di sản Thế giới chi nhánh ở Pháp trong nhiều năm.

Nhà thiết kế Hubert de Givenchy năm 2016. Ảnh: AFP.

Trong một cuộc nói chuyện với sinh viên Đại học Oxford năm 2010, Givenchy đã đưa ra lời khuyên: "Nếu có thể, hãy sinh ra trong một môi trường sang trọng. Nếu không, hãy cố gắng biến sang trọng trở thành con người bạn". Với chiều cao 1,96 m, mái tóc màu cát, gương mặt điển trai và phong thái khỏe khoắn, Givenchy được các nhà phê bình miêu tả là một nhà quý tộc Pháp mẫu mực đáng tin cậy. Givenchy đáng tin cậy vì những gì ông đã tạo ra - những bộ trang phục trang nhã vượt thời gian, những chiếc mũ và khăn choàng ấn tượng, những chiếc váy dài hai mảnh, áo khoác đơn giản và những bộ trang phục tối giản trong một màu sắc rực rỡ. Những kiểu dáng sang trọng và nữ tính ấy có sức lôi cuốn không nói được thành lời, bền bỉ với tháng năm.

Sao Mai