"Tôi và các bạn đang ngồi đây đều như nhau, một khi Huawei phá sản, tất cả chúng ta đều chẳng còn gì. Ta chỉ có thể tạo ra giá trị gia tăng khi còn tồn tại. Kể cả việc tôi sẽ bị thay thế cũng là quy luật tự nhiên, là điều không thể kháng cự. Tôi sẽ bình tâm đối mặt", ông Nhậm viết trong một lá thư gửi toàn bộ nhân viên.
Viết lại quy tắc của ngành viễn thông toàn cầu
Năm 2001, đối mặt với "mùa đông" khắc nghiệt của ngành Công nghệ thông tin, Nhậm Chính Phi bắt đầu thực hiện những điều chỉnh lớn. Trước cánh cửa của các nhà khai thác viễn thông châu Âu, Huawei đã giành được rất nhiều hợp đồng từ các công ty viễn thông Pháp, Đức và Đông Âu; tại Trung Á, Huawei đối đầu quyết liệt trước Lucent, lần lượt quét sạch từng thị trường ở các quốc gia Trung Á. Đội quân bán hàng của Huawei xâm nhập vào cánh rừng Nam Mỹ và sa mạc châu Phi rộng lớn, chiếm cứ từng thị trưởng một. Thời báo tài chính Anh từng kinh ngạc lên tiếng: "Huawei của Trung Quốc đang viết lại quy tắc của của ngành viễn thông toàn cầu".
Trong cuốn sách "Hành trình lập nghiệp của Nhậm Chính Phi", tác giả Hy Văn viết: "Trận chiến với Cisco là trận chiến mà Huawei không thể không đề cập đến trong quá trình quốc tế hóa. Nhậm Chính Phi đã chỉ huy cuộc 'vây hãm' này suốt một năm dài. Khi Cisco kiện Huawei vi phạm quyền sở hữu trí tuệ, Nhậm Chính Phi một mặt tìm luật sư tốt nhất tại Mỹ để đối chiến, một mặt liên minh với 3Com - công ty đối thủ của Cisco tại Mỹ.
Vào thời điểm quan trọng nhất của vụ kiện, Huawei công bố thông tin về liên minh này khiến Cisco rơi vào thế trước sau đều là địch. Mặc dù kết quả cuối cùng giữa Huawei và Cisco là giải hòa, chiến lược của Nhậm Chính Phi trong vụ kiện xuyên quốc gia này là điều không doanh nghiệp nào có thể so bì kịp.
Ngay trong cuộc họp nội bộ đầu năm 2008 - năm diễn ra cuộc khủng hoảng kinh tế tồi tệ nhất trong lịch sử - Nhậm Chính Phi cho biết Huawei sẽ là người được lợi nhiều nhất trong cuộc khủng hoảng kinh tế sắp tới. Tại sao Nhậm Chính Phi quả quyết như vậy? Vì những bố trí kinh doanh của Huawei đã hợp lý hơn, những lợi thế của việc mở rộng thị trường cũng nổi bật hơn.
Khó khăn không hề nguôi kể từ khi ông Nhậm Chính Phi thành lập Huawei. Chính ông cũng dự đoán được khó khăn của hiện tại từ hơn 10 năm trước. Trong một phỏng vấn với Tạp chí tài chính của Mỹ, khi được hỏi Huawei làm thế nào có thể chống lại những khó khăn này, ông Nhậm Chính Phi nói: "Những vấn đề chúng tôi gặp phải hôm nay đã được dự kiến từ hơn mười năm trước. Chúng tôi cũng đã chuẩn bị trong hơn mười năm. Chúng tôi không hoàn toàn vội vã. Những khó khăn này sẽ có tác động đến chúng tôi, nhưng tác động sẽ không lớn và sẽ không có vấn đề gì lớn".
Dự đoán khó khăn đối đầu với Mỹ từ hơn 10 năm trước
Ông Nhậm đã biết trước công ty sẽ gặp khó khăn với Mỹ và từng có ý định "bán mình" cho Motorola. Năm 2000, Huawei và Motorola gần đi đến thương vụ mua bán nhưng đến phút cuối, Zander - CEO mới nhậm chức của Motorola - đã không phê duyệt thương vụ này.
Năm 2019, trong phỏng vấn với Bloomberg, ông Nhậm kể lại vì sao lúc đó ông lại có ý định bán Huawei cho Motorola. "Khi đó chúng tôi vẫn còn sợ Mỹ, biết rằng nếu tiếp tục phát triển, cuối cùng sẽ phải đối đầu với Mỹ. Chúng tôi biết rõ vậy nên đã chuẩn bị bán công ty đi để phát triển du lịch, máy kéo, nhưng cuối cùng không bán thành công. Chúng tôi cùng nhau thảo luận 'có tiếp tục con đường này không, hay bán tiếp'. Tôi là phe thỏa hiệp, trước giờ cái gì có thể thỏa thiệp thì sẽ thỏa thiệp. Nhưng phe cấp tiếp hơn nói muốn làm tiếp. Họ đều là dân kỹ thuật, nếu không làm tiếp, đi làm du lịch, cầm cờ làm hướng dẫn viên, họ cảm thấy không phải sở trường. Tôi nói, vậy 10 năm sau rất có thể sẽ có xung đột với Mỹ, muốn đi về phía trước, thì phải nâng cao năng lực bản thân. Tất cả đều đồng lòng".
"Hôm nay chúng tôi bị đánh, máy bay bị thủng trăm lỗ, nhưng mọi người vẫn rất đoàn kết, không có bất đồng. Các ý kiến thống nhất hơn, phần nào cũng phản ánh phán đoán năm kia. Nhưng có thể đi tiếp không, còn chưa biết. Có người hỏi 'động cơ bị đánh trúng, bình xăng phải làm sao'. Đứng nói chuyện động cơ và bình xăng, không bán dầu cho chúng tôi, máy bay có thể bay không? Những vấn đề này đều là các vấn đề mới. Đối mặt, giải quyết vấn đề, đi bước nào tính bước đó, dần dần tìm cách".
Tom Mackenzie, phóng viên truyền hình Bloomberg hỏi: "Việc này có khiến Huawei mạnh mẽ hơn không?". Ông Nhậm đáp: "Cũng chưa biết được, nên nói rằng, trải qua một lễ rửa tội có thể làm cho tâm trí của chúng tôi tái sinh".
Huawei đang trên đường tái sinh trước những khó khăn liên tiếp được giăng mắc từ chính phủ Mỹ. Sức mạnh và tinh thần của Huawei là những điều mà chính người ngoài cuộc khó có thể tưởng tượng được. Các hoạt động kinh doanh của Huawei trên toàn cầu dù bị kìm hãm, vẫn tăng trưởng ở mức ấn tượng 9,9% trong III quý năm 2020.
Đức Thanh tổng hợp