Huawei Mate 30 hoàn toàn không chứa bất kỳ thành phần nào sản xuất tại Mỹ. Mẫu smartphone cao cấp này vừa được Huawei giới thiệu vào tháng 9/2019, với màn hình cong tràn cạnh và cụm 4 camera mang đến đầy đủ tính năng chụp ảnh tiên tiến, không thua kém gì iPhone 11.
Hồi tháng 5, chính quyền Trump đã cấm các công ty Mỹ thực hiện giao dịch công nghệ với Huawei, trong bối cảnh Thương chiến Mỹ - Trung ngày càng leo thang. Động thái này của Washington nhằm ngăn các đối tác quan trọng như Broadcom, Qualcomm và Intel ngừng cung cấp chip cho công ty Trung Quốc. Tuy nhiên, các công ty Mỹ vẫn kịp vận chuyển cho Huawei một số lô hàng trước khi bị ảnh hưởng bởi lệnh cấm.
Tháng trước, Wilbur Ross, Bộ trưởng Bộ Thương mại Mỹ, cho biết, các nhà sản xuất chip có trụ sở tại Mỹ đã nộp đơn xin xuất khẩu các lô hàng sắp tới. Bộ đã tiếp nhận gần 300 đơn xin cấp phép như vậy.
Huawei trước đây phụ thuộc rất nhiều vào các nhà cung cấp chip Mỹ. Công ty mua bộ ăng-ten chuyển mạch từ Qorvo (trụ sở ở Bắc Carolina) và Skyworks Solution (trụ sở ở Massachusette), nhập chip Bluetooth và Wi-Fi từ Cirrus Logic (trụ sở ở Texas), cũng như nhiều linh kiện khác từ Broadcom (trụ sở ở California).
Khi Huawei bị cấm mua linh kiện Mỹ, công ty đã giảm sự phụ thuộc vào đối tác Mỹ bằng cách thay thế chip của Mỹ trên các mẫu smartphone ra mắt kể từ tháng 5, gồm Y9 Prime và Mate 30. Ví dụ, trên một số phiên bản Mate 30 cũ, Huawei đã tích hợp chip âm thanh của Cirrus Logic. Tuy nhiên, các phiên bản Mate 30 sản xuất gần đây lại dùng chip âm thanh của NXP Semiconductors (Hà Lan). Bộ khuếch đại công suất ban đầu nhập của Qorvo hoặc Skyworks được thay bằng chip HiSilicon tự sản xuất.
Christopher Rolland, chuyên gia phân tích thị trường linh kiện bán dẫn của Susquehanna International Group đánh giá: "Việc ra mắt một chiếc điện thoại cao cấp (flagship) không chứa bất kỳ thành phần của Mỹ nào là tuyên bố khá rõ ràng của Huawei". Ông Rolland cũng tiết lộ rằng ban lãnh đạo Huawei cũng bất ngờ vì công ty rũ bỏ sự phụ thuộc vào nguồn linh kiện Mỹ quá nhanh.
Phát ngôn viên Huawei nhấn mạnh công ty đã chi 11 tỷ USD để mua công nghệ Mỹ vào năm ngoái và "sẽ ưu tiên cho việc tiếp tục tích hợp và mua linh kiện từ các nhà cung cấp Mỹ". Tuy nhiên, "nếu không thể xây dựng mối quan hệ hợp tác do quyết định của chính phủ Mỹ, chúng tôi không còn lựa chọn nào khác ngoài tìm nguồn thay thế bên ngoài Mỹ".
Atif Malik, chuyên gia phân tích của Citigroup cho rằng, Huawei cung cấp các mẫu smartphone rất đa dạng, cho phép thể tùy biến công nghệ bên trong để phù hợp với thị trường. Theo Malik, "nhiều nhà cung cấp linh kiện Mỹ đang có nguy cơ bị thay thế bởi các công ty Trung Quốc", đặc biệt ở phân khúc smartphone giá rẻ.
Mỹ từ lâu đã coi thiết bị viễn thông Huawei là hiểm họa đối với an ninh quốc gia, dựa trên lo ngại thiết bị do công ty có trụ sở tại Thẩm Quyến sản xuất có thể được sử dụng để do thám người Mỹ. Các sản phẩm smartphone Huawei rất phổ biến ở Trung Quốc và châu Âu, nhưng không được phân phối tại Mỹ.
Một giám đốc điều hành Huawei tiết lộ công ty đã "dự đoán trước về lệnh cấm" và bắt đầu tích trữ linh kiện từ năm 2018. Ngoài ra, công ty cũng làm việc với các nhà cung cấp bên ngoài Mỹ để sản xuất thành phần thay thế theo yêu cầu.
Nhiều nhà cung cấp linh kiện bán dẫn của Mỹ như Qorvo, Skyworks và Broadcom dự báo doanh thu sẽ giảm trong năm nay, một phần vì lệnh cấm xuất khẩu của chính phủ.
Trong một cuộc phỏng vấn, John Suffolk, Giám đốc an ninh và bảo mật toàn cầu của Huawei khẳng định công ty hiện có khả năng chế tạo các sản phẩm không chứa linh kiện Mỹ, gồm các trạm phát sóng 5G đóng vai trò quan trọng trong cơ sở hạ tầng mạng tốc độ cao. "Dù tất cả thiết bị 5G của chúng tôi hiện nay đều không chứa linh kiện từ Mỹ, chúng tôi vẫn muốn dùng các các linh kiện nguồn gốc từ nước này", Suffolk nói. "Điều đó tốt cho cả ngành công nghiệp Mỹ và Huawei".
Handel Jones, Chủ tịch International Business Strategies, đánh giá: "Nguồn cung độc lập của Mỹ hiện nay đã cho thấy chiến lược cô lập Huawei không hiệu quả".
Tuy đã thoát ra khỏi sự phụ thuộc linh kiện phần cứng của Mỹ, chuỗi cung ứng của Huawei vẫn tồn tại lỗ hổng lớn. Smartphone do công ty Trung Quốc sản xuất chạy trên nền hệ điều hành Android nhưng không thể truy cập dịch vụ quan trọng của Google như YouTube, Google Map hay kho ứng dụng Play Store. Mate 30 là mẫu smartphone đầu tiên của Huawei chịu ảnh hưởng bởi lệnh cấm.
Giới phân tích nhận định rằng, việc thiếu ứng dụng của Google có thể không ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh tại của Huawei tại Trung Quốc, nhưng gây ra tác động lớn tới thị phần của công ty ở nước ngoài.
Việt Anh (theo WSJ)