"Huawei sẽ tiếp tục giải quyết thông qua các biện pháp pháp lý. Chúng tôi tin những chứng cứ của tòa án sẽ minh oan cho Huawei khỏi những phản bác sai lệch của CNEX", Huawei khẳng định.
Tuyên bố của hãng Trung Quốc được đưa ra sau khi toà án liên bang Texas (Mỹ) tiếp nhận đơn kiện của CNEX, trong đó tố Eric Xu, một Chủ tịch luân phiên của Huawei, đã chỉ đạo nhân viên đóng giả làm khách hàng tiềm năng của công ty để lấy cắp các tài liệu thương mại bí mật. Đơn kiện lần đầu được gửi vào tháng 11/2018 và mới được cập nhật tình tiết mới.
Trong khi đó, Huawei lại cho biết vào năm 2017, họ đã kiện một cựu nhân viên tên YiRen "Ronnie" Huang vì đã đánh cắp tài sản trí tuệ của Huawei. Ông Huang đã sử dụng tài sản của Huawei để thành lập công ty CNEX nên họ phải có các quyền sử dụng bằng sáng chế mà CNEX đã đăng ký.
"Cuối năm 2018, sau khi thua trong nhiều phán quyết, CNEX và ông Huang đã đệ đơn chống lại Huawei. CNEX đã tận dụng mọi cơ hội với giới truyền thông nhằm đánh lạc hướng và làm mất danh tiếng của Huawei. Tận dụng cuộc chiến thương mại đang diễn ra, CNEX liên tục yêu cầu báo chí gọi họ là công ty của Mỹ, nhưng không đề cập đến việc khoảng một nửa nhân sự và hoạt động nghiên cứu của họ ở Trung Quốc", Huawei giải thích.
Tuần trước, tòa án liên bang ở California (Mỹ) bác tuyên bố của Huawei về quyền sở hữu với các bằng sáng chế do CNEX đăng ký. Tuy nhiên, Huawei vẫn còn một đơn kiện rằng Huang đã tuyển dụng không đúng cách với các đồng nghiệp cũ cùng làm ở Huawei sang công ty mới CNEX.
Vụ kiện diễn ra trong bối cảnh Huawei bị cấm mua các bộ phận và linh kiện từ công ty Mỹ, nếu không có sự chấp thuận của chính phủ Mỹ. Danh sách các công ty lớn dừng hợp tác với hãng smartphone Trung Quốc ngày càng được nối dài như Google, Microsoft,ARM, Intel, Qualcomm, Xilinx, Toshiba....