Báo Bloomberg miêu tả: "Bước qua cánh cổng vào khuôn viên trụ sở Huawei ở phía nam Trung Quốc, bạn sẽ thấy một không khí sôi sục. Những chiếc xe màu xanh neon chạy như con thoi chở nhân viên di chuyển giữa các văn phòng. Những bóng đèn huỳnh quang thắp sáng suốt đêm. Căng-tin hoạt động tới gần nửa đêm".
Hãng công nghệ lớn nhất Trung Quốc đã thịnh vượng nhiều năm qua nhờ sự quyết liệt trong hành động, mà các nhân viên trong công ty gọi là "văn hóa chó sói". Trên tường một phòng nghiên cứu tại trụ sở của Huawei ở Thâm Quyến có đoạn thư pháp: "Hy sinh là sự nghiệp cao cả nhất, chiến thắng là đóng góp vĩ đại nhất của người lính".
Tinh thần đó càng được khuếch đại sau khi chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump đưa Huawei vào danh sách đen, cấm các doanh nghiệp Mỹ hợp tác kinh doanh với hãng Trung Quốc từ ngày 15/5. Huawei đã huy động 10.000 nhà phát triển làm việc theo ba ca mỗi ngày ở các văn phòng Thượng Hải, Thẩm Quyến và Tây An với mục tiêu thoát khỏi sự phụ thuộc vào phần mềm và vi xử lý của Mỹ. Các kỹ sư ở một số bộ phận đã không về nhà vài ngày. Từ bảo vệ tới lái xe, tất cả bị cuốn vào cuộc chiến và được yêu cầu chuẩn bị tinh thần đối mặt với những sức ép thị trường.
Huawei từ chối bình luận về những thông tin trên, nhưng khẳng định họ luôn có kế hoạch sẵn sàng cho những tình huống đột xuất.
"Câu hỏi không phải là liệu chúng tôi có thể thắng, bởi chúng tôi phải thắng", một kỹ sư của Huawei nói. "Đây là cuộc chiến để Trung Quốc có một nền công nghệ viễn thông độc lập". Còn trên một diễn đàn nội bộ dành cho nhân viên, một thông điệp được chia sẻ: "Các chiến binh áo giáp vàng sẽ không trở về nhà cho đến khi đánh bại Trump từ Mỹ".
Lệnh cấm của Mỹ được coi là cú ngáng chân trên hành trình tăng trưởng mạnh mẽ của Huawei. Họ đang là nhà cung cấp thiết bị viễn thông lớn nhất thế giới và là hãng smartphone lớn thứ hai thế giới. Ông Donald Trump cho biết lệnh cấm là sự đáp trả hợp lý cho việc Huawei tiếp tay cho Bắc Kinh do thám chính phủ các nước.
Hãng cũng bị tố, thậm chí bị kiện, vì ăn cắp sở hữu trí tuệ từ một số công ty lớn, trong đó có Cisco và T-Mobile. Huawei luôn phủ nhận. "Mỹ thậm chí còn chẳng có những công nghệ đó. Chúng tôi đi trước Mỹ. Nếu chúng tôi đi sau, chính quyền Trump sẽ chẳng cần cố tấn công chúng tôi", ông Nhậm Chính Phi, nhà sáng lập Huawei, trả lời Bloomberg cuối tháng 5.
Hãng công nghệ Trung Quốc cũng cho biết đã dự đoán về lệnh cấm của chính phủ Mỹ từ trước, nên đã tích trữ đủ chip và các linh kiện quan trọng khác để duy trì hoạt động bình thường ít nhất ba tháng. Họ tự phát triển và sản xuất chip cũng như xây dựng một hệ điều hành để chạy trên điện thoại và máy chủ. Nhiều trong số 180.000 nhân viên Huawei tỏ ra lạc quan rằng Bắc Kinh sẽ sớm giải quyết mâu thuẫn với Washington.
Tuy vậy, nỗi lo âu vẫn len lỏi trong các văn phòng từ Tokyo tới Sydney. "Không thể phủ nhận lệnh cấm đã tạo ra những tác động tiêu cực. Tin xấu đổ về Huawei mỗi ngày", một nhân viên công ty tại Nhật cho biết. "Nhưng chúng tôi vẫn làm việc như bình thường. Một số khách hàng thậm chí còn động viên chúng tôi".
Tuy nhiên, câu hỏi đặt ra là chiến tranh thương mại Mỹ - Trung sẽ kéo dài bao lâu và khi nào Mỹ rút lệnh cấm với Huawei. "Nếu lệnh trừng phạt tiếp tục kéo dài, Huawei sẽ đánh mất rất nhiều thị phần", Chris Lane, chuyên gia phân tích của Sanford C. Bernstein, nhận định.
Châu An (theo Bloomberg)