Cuối tháng 10, Cơ quan quản lý viễn thông Thụy Điển PTS ra quyết định cấm sử dụng thiết bị của Huawei và ZTE trong việc phát triển mạng 5G tại nước này. Lý do họ đưa ra là bất kỳ nhà cung cấp nào có trụ sở tại Trung Quốc đều có thể là mối đe dọa đối với an ninh quốc gia Thụy Điển. Sau đó, Huawei đã thắng kiện, nhưng PTS vẫn đang tiếp tục kháng cáo.
Tuần này, ông Jiang Xisheng, Chánh văn phòng hội đồng quản trị Huawei, cho rằng quan niệm sai lầm của PTS sẽ ngăn cản người dùng và doanh nghiệp Thụy Điển trong việc sớm tiếp cận những đổi mới của công nghệ 5G.
Trước thông tin Huawei được chính phủ Trung Quốc hậu thuẫn, ông khẳng định: "Không ai sở hữu Huawei ngoài nhân viên. Công ty huy động vốn bằng cách bán cổ phiếu cho nhân viên. Nhân viên mua cổ phiếu bằng tiền của chính họ và nhận cổ tức hàng năm. Họ cũng bầu chọn các thành viên trong Ủy ban đại diện trên cơ sở một phiếu bầu cho mỗi cổ phần và Ủy ban này bầu ra Hội đồng quản trị của công ty".
Hiện nhà sáng lập Huawei Nhậm Chính Phi chỉ nắm khoảng 1% cổ phần, phần còn lại do công đoàn, đại diện của nhân viên công ty, nắm giữ. Có ý kiến cho rằng việc Huawei không niêm yết công khai là thiếu minh bạch. Tuy nhiên, ông Xisheng cho biết mô hình quản trị này không khác mô hình của các công ty do nhân viên làm chủ trên thế giới như John Lewis Partnership (Anh) hay Essilor (Pháp). Nhiều công ty Thụy Điển cũng áp dụng cơ cấu sở hữu cổ phần này.
"Nhiều người cáo buộc chúng tôi trở thành công ty hàng đầu toàn cầu nhờ sự hỗ trợ của chính phủ. Thực tế, công ty thành công vì lý do ngược lại: hoạt động độc lập và tuân theo logic của kinh doanh, không phải chính trị", ông Xisheng nhấn mạnh. "Không tổ chức chính phủ nào chi phối các quyết định kinh doanh và đầu tư của Huawei".
Đầu tháng 12, Phó Chủ tịch Huawei khu vực Bắc, Trung và Đông Âu Kenneth Fredriksen khẳng định công ty sẵn sàng đáp ứng bất kỳ điều kiện nào mà chính phủ Thụy Điển đưa ra về thiết bị 5G và thực hiện các biện pháp khác để giảm lo ngại.
Nhiều nhà mạng châu Âu đang dùng thiết bị Huawei trong mạng 4G. Việc xây mạng 5G sẽ dễ và rẻ hơn nếu tận dụng hạ tầng có sẵn. Do đó, trong khi Mỹ công khai ngăn chặn Huawei, hầu hết các quốc gia châu Âu vẫn không muốn nghĩ tới viễn cảnh đẩy Huawei khỏi quy trình đấu thầu hợp đồng 5G, do lo ngại chi phí xây dựng mạng thế hệ mới tăng vọt.
Châu An