Theo Korea Economic Daily, Huawei đã gặp các quan chức cấp cao của Samsung và SK Hynix - hai nhà sản xuất bán dẫn hàng đầu Hàn Quốc - để thảo luận về việc "cung cấp ổn định" chip nhớ trong tương lai. Việc này diễn ra sau động thái gây áp lực của Mỹ nhằm cô lập mảng bán dẫn của hãng viễn thông Trung Quốc. Tuy nhiên, trong một bình luận sau đó, Samsung cho biết không có cuộc họp nào như vậy, còn SK Hynix từ chối bình luận.
Samsung và SK Hynix hiện thống trị mảng chip DRAM khi cung cấp tới 70% sản phẩm này trên toàn cầu, còn Huawei hiện là một trong năm khách hàng lớn nhất của cả hai. Mỗi năm, công ty Trung Quốc đã chi khoảng 10 nghìn tỷ won (8,1 tỷ USD) để mua chip nhớ flash DRAM và NAND từ hai công ty Hàn Quốc này.
Trước đó, Tổng thống Mỹ Donal Trump đã ban hành lệnh cấm mới với Huawei, trong đó yêu cầu bất kỳ nhà sản xuất chip đang sử dụng công nghệ Mỹ nào cung cấp cho công ty Trung Quốc cần phải có giấy phép. Samsung và SK Hynix là hai công ty không chịu chịu sự hạn chế của chính phủ Mỹ.
Tuy nhiên, Huawei lo ngại rằng Nhà Trắng có thể mở rộng lệnh cấm trong tương lai. Để đối phó với nguy cơ này, công ty Trung Quốc hiện tìm kiếm sự hỗ trợ từ các đối thủ trong mảng sản xuất chip di động, như MediaTek, Unisoc... để đối phó với quy định mới. Ngoài ra, hãng còn được cho là đang mua dự trữ chip với số lượng khổng lồ, đề phòng lệnh cấm gây tác động thời gia dài.
Theo Jeff Pu, chuyên phân tích của GF Securities, Huawei vẫn có đủ chip để duy trì đến cuối năm, do đó tác động của lệnh cấm sẽ thể hiện rõ từ quý IV/2020.
Guo Ping, Chủ tịch luân phiên của Huawei, mới đây thừa nhận hiện "sự sống còn" là từ khóa ưu tiên của công ty.
Bảo Lâm (theo Bloomberg)