Theo NYTimes và CNN, Li Hongyuan, 35 tuổi là người đã có thâm niên làm việc cho Huawei trong khoảng 12 năm (từ 2002). Tuy nhiên, cuối năm 2017, ông này không được gia hạn hợp đồng.
Tháng 1/2018, Hongyuan nhận một gói thôi việc của Huawei với số tiền 43.000 USD. Tiền được chuyển đến tài khoản của người này hai tháng sau đó.
Tuy nhiên, Huawei đã "trở mặt" khi tố cáo việc chuyển khoản được thực hiện là "kết quả của một âm mưu tống tiền chống lại công ty". Tháng 12/2018, Hongyuan bị tạm giữ hình sự vì cáo buộc tống tiền với bằng chứng là 43.000 chuyển khoản.
Tuy nhiên, tháng 8/2019, Hongyuan đã được thả vì các bằng chứng mà Huawei đưa ra chưa đủ căn cứ về hành vi tống tiền. Ngược lại, phía Hongyuan đã ghi âm tất cả cuộc trò chuyện trong quá trình đàm phán thôi việc của mình và gửi chúng cho công tố viên để chứng minh mình vô tội.
Hongyuan cho biết mình bị tạm giam 251 ngày trước khi được thả.
Một tài liệu từ văn phòng công tố quận ở Thâm Quyến phát hành vào tuần trước cho thấy, cựu nhân viên Huawei đã nhận được số tiền tương đương 15.000 USD để "bù đắp" trong thời gian oan sai (tháng 12/2018 - 8/2019). Tài liệu thứ hai công bố vào tháng 8 năm ngoái, cho biết vụ án chưa được xét xử do hành vi phạm tội của Hongyuan mà cảnh sát Thâm Quyến xác định là "không rõ ràng, bằng chứng không đủ và không đáp ứng các điều kiện để truy tố".
Theo cảnh sát, Hongyuan cũng dọa sẽ nói với chính phủ về "các hoạt động kinh doanh bất hợp pháp" của Huawei. Tuy nhiên, luật sư của Hongyuan phủ nhận.
Phía Huawei sau đó nêu ý kiến, nhưng không đưa ra lời xin lỗi, thậm chí "thách" nhân viên cũ kiện công ty. "Chúng tôi ủng hộ Li bảo vệ quyền lợi của mình thông qua pháp lý, kể cả việc kiện Huawei bởi nó phù hợp với nguyên tắc bình đẳng trước pháp luật", đại diện Huawei phản hồi.
Việc Hongyuan bị bắt giam và bị đối xử bất công đã khiến người dân Trung Quốc phản ứng dữ dội. Ngay cả các phương tiện truyền thông trong nước vốn ủng hộ Huawei đưa ra các bình luận gay gắt.
"Nếu bạn lỡ giẫm lên chân ai đó trên đường phố, việc đầu tiên là bạn sẽ nói xin lỗi. Nhưng hành động mà Huawei gây ra khiến một công dân mất tự do tới 251 ngày vẫn chưa nhận được câu nói tương tự. Huawei sẽ mất một lượng lớn người hâm mộ, bởi người ta đang nhìn thấy một hình ảnh khác của công ty: một con quái vật không có sự đồng cảm và đã biến thành kẻ bắt nạt", trang The Paper nêu quan điểm.
"Bạn tốt nghiệp từ một trong gần 1.000 đại học danh giá của Trung Quốc, sau đó mất việc ở tuổi ngoài 30 và bị giam 251 ngày, trong khi đang bảo vệ quyền lợi của mình. Điều đó thật nực cười", một tài khoản Weibo bình luận.
Huawei hiện chật vật trong việc kinh doanh ở thị trường bên ngoài Trung Quốc do tác động bởi lệnh cấm của chính phủ Mỹ. Ở mảng điện thoại, thị trường quê nhà đang là điểm tựa hơn bao giờ hết cho công ty, bởi smartphone không được ưa chuộng bên ngoài biên giới do không còn cài dịch vụ Google.
Thực tế, Huawei vẫn giữ vị trí thứ hai thị trường điện thoại toàn cầu với 66,8 triệu máy trong quý III/2019, tăng 28,5% so với cùng kỳ năm ngoái, nhưng chủ yếu nhờ vào doanh số trong nước. Phonearena cho rằng, sau vụ Hongyuan, danh tiếng của Huawei nhiều khả năng sẽ ảnh hưởng và điều này sẽ tác động xấu đến doanh số bán hàng những quý tiếp theo.
Bảo Lâm tổng hợp