"Hai cựu quản lý làm việc cho Huawei trong nhiều năm nói với chúng tôi rằng họ bị yêu cầu nhập các dữ liệu cá nhân của mọi người vào trong một hệ thống hoạt động độc lập của hãng", đài phát thanh Czech cho hay.
Những hệ thống máy tính này "được kiểm soát bởi trụ sở Huawei ở Trung Quốc". Thông tin thu thập gồm sở thích cá nhân, tình trạng tài chính, số con... của khách hàng, đối tác...
Phản hồi kết quả điều tra này, đại diện Huawei tại Czech khẳng định họ tuân thủ Luật bảo vệ dữ liệu chung của EU (GDPR). Luật này cho phép người sử dụng biết dữ liệu của họ được chia sẻ đi những đâu và được sử dụng cho mục đích gì.
Tuy nhiên, từ cuối 2018, Cơ quan An ninh thông tin và Mạng quốc gia (NCISA) của Cộng hòa Czech cũng cảnh báo Huawei và ZTE có quan hệ mật thiết với chính phủ Bắc Kinh và các phần mềm, phần cứng do hai công ty này sản xuất có thể gây tổn hại tới an ninh quốc gia.
"Chúng tôi có nhiều bằng chứng về hoạt động của Huawei và ZTE ở Czech cũng như nhiều nước khác, cho thấy các công cụ mà hai tập đoàn này cung cấp cho khách hàng có thể phục vụ lợi ích của chính phủ Trung Quốc", NCISA nói.
Tuy nhiên, NCISA không công bố bằng chứng thể hiện Huawei có liên quan đến chính phủ Trung Quốc và Huawei cũng nhiều lần phủ nhận cáo buộc.
Giữa tháng 5, Mỹ đưa Huawei vào danh sách những thực thể có nguy cơ gây hại cho an ninh quốc gia và cấm các doanh nghiệp trong nước hợp tác kinh doanh với Huawei nếu không có giấy phép của Bộ thương mại Mỹ.