Kyle Wiens, nhà sáng lập và giám đốc điều hành iFixit, công ty chuyên "mổ xẻ" các thiết bị điện tử, cho rằng điện thoại thông minh có thể sản xuất mà không cần bất kỳ công nghệ nào của Mỹ. Các linh kiện có thể mua tại Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc hay Đài Loan.
Khi khám phá P30 Pro, iFixit không thấy có quá nhiều bộ phận được sản xuất bởi các công ty Mỹ ngoài module radio từ Skyworks Solution có trụ sở tại Massachusetts. Nhưng lệnh cấm của Mỹ không chỉ ảnh hưởng tới các sản phẩm của các công ty Mỹ mà còn liên quan tới các linh kiện có "chất xám" của Mỹ trong đó.
Theo công ty luật Akin Gump, bất kỳ sản phẩm công nghệ nào có sự tham gia của Mỹ, dù với hàm lượng ra sao, đều có thể đặt trong tầm ảnh hưởng của lệnh cấm. Điều đó khiến ngay cả những công ty bên ngoài Mỹ cũng thận trọng khi làm ăn với công ty thuộc danh sách cấm của Mỹ.
Trong trường hợp của Huawei, ARM Holdings, nhà thiết kế chip có trụ sở tại Anh, đã nói với nhân viên rằng công ty cần bỏ tất cả dự án với Huawei vì lệnh cấm của Mỹ. Huawei là một trong số ít nhà sản xuất smartphone tự phát triển bộ xử lý của riêng minh. Chip Kirin của họ được sản xuất bởi HiSilicon nhưng công nghệ đằng sau là của ARM.
Tuy nhiên, Huawei đã có những phương án để giảm rủi ro. Ít nhất trước mắt, bộ xử lý tiếp theo của họ là Kirin 985, sẽ không bị ảnh hưởng bởi lệnh cấm, bất kể ARM có động thái thế nào.
Về hệ điều hành, Huawei đang phát triển HongMeng OS dựa trên phiên bản nguồn mở của Android. Chính Google cũng lo ngại về điều này khi HongMeng OS có thể trở thành phiên bản tiếng Trung, phá vỡ thế thống trị của Android. Huawei đã mời các nhà phát triển xây dựng ứng dụng cho nền tảng của mình nên việc mất quyền truy cập vào Play Store cũng không tác động gì.
Con đường để Huawei tạo ra một mẫu smartphone mà không phụ thuộc vào công nghệ Mỹ chắc chắn không dễ dàng và phải thỏa hiệp nhưng kết quả mà công ty Trung Quốc đạt được sẽ xứng đáng. Huawei có thể phải chấp nhận hạn chế về bộ vi xử lý, phần mềm cần thời gian để tinh chỉnh nhưng khi thành công thì sẽ phá vỡ thế độc quyền.
Bảo Anh (theo Bloomberg)