Trích hai nguồn tin đáng tin cậy, Reuters tiết lộ động thái bán hai thương hiệu smartphone cao cấp có thể là bước đi tiếp theo của Huawei trong việc rời khỏi mảng kinh doanh điện thoại. Trước đó, hãng cũng đã bán thương hiệu con Honor cho một liên doanh tại Trung Quốc.
Theo nguồn tin, Huawei đang đàm phán bán hai thương hiệu smartphone cao cấp của mình cho một tập đoàn gồm các công ty đầu tư được chính phủ Trung Quốc hậu thuẫn ở Thượng Hải. Cuộc đàm phán đã diễn ra trong nhiều tháng.
Huawei bắt đầu thăm dò nội bộ về việc bán thương hiệu P và Mate từ đầu tháng 9 năm ngoái. Tuy nhiên, công ty vẫn chưa đưa ra các quyết định cuối cùng về việc mua bán do vấn đề sản xuất chip Kirin. Do đó, các cuộc đàm phán có thể chưa thành công. Việc định giá hai thương hiệu này cũng bị bỏ ngỏ.
Một trong hai nguồn tin tiết lộ quyết định bán mảng smartphone cao cấp của Huawei là nhằm "xoa dịu" chính quyền tân Tổng thống Mỹ Joe Biden. Công ty đang hy vọng chính quyền mới sẽ đảo ngược các lệnh cấm có từ tháng 5/2019, giúp Huawei có thể nối lại các chuỗi cung ứng với Mỹ, cũng như sử dụng công nghệ Mỹ.
Phía Huawei nhanh chóng phủ nhận. "Huawei biết rằng đã có những tin đồn vô căn cứ liên quan đến việc chúng tôi bán các thương hiệu smartphone hàng đầu", đại diện Huawei cho biết. "Những tin đồn này không mang lại lợi ích gì. Huawei cũng không có kế hoạch nào như vậy".
P và Mate là hai dòng smartphone đầu bảng của Huawei, cạnh tranh trực tiếp với các model cao cấp khác đến từ Apple, Samsung, cũng như dòng Mi và Mix của Xiaomi hay dòng Find của Oppo. Theo IDC, tính từ quý III/2019 đến quý III/2020, lượng smartphone Mate và P xuất xưởng có trị giá 39,7 tỷ USD. Còn theo Counterpoint, hai thương hiệu này đóng góp gần 40% vào tổng doanh số bán hàng của Huawei trong quý III/2020.
Tuy nhiên, trước hàng loạt lệnh cấm của Mỹ, Huawei không đủ linh kiện bán dẫn để sản xuất các thiết bị mới. Giới phân tích cho biết, tình trạng thiếu linh kiện nghiêm trọng khiến việc sản xuất và cung ứng P40 và Mate40 - hai smartphone cao cấp mới nhất của Huawei - bị hạn chế.
Bảo Lâm (theo Reuters)