Huấn luyện phi công chiến đấu là nhiệm vụ xương sống của trung đoàn 927. Việc này được thực hiện theo trình tự từ thấp đến cao, từ dễ đến khó để đảm bảo an toàn. Phi công bắt đầu học từ mặt đất và kỹ thuật chuyên ngành, khi đạt trình độ nhất định, vượt qua kỳ kiểm tra chất lượng và đạt từ khá, giỏi trở lên mới được tham gia bay. "Đối với phi công, tất cả các bài bay đều khó", Trung tá Phạm Quốc Vương - Phó trung đoàn trưởng, Tham mưu trưởng Trung đoàn 927 nói.
Trung đoàn sẽ cử các giáo viên có kinh nghiệm kèm phi công trẻ lần đầu được bay trên Su-30MK2, hoặc mới chuyển từ đơn vị khác về, đã được đào tạo chuyển loại nhưng chưa học chương trình huấn luyện chiến đấu. Những người có khả năng tiếp thu nhanh sẽ được đưa lên làm phi công mũi nhọn, đào tạo thực hiện nhiệm vụ ở các điều kiện khí tượng và môi trường khác nhau.
Tốt nghiệp trường Sỹ quan Không quân, Lê Đình Thành được phân công về sân bay Biên Hòa (Đồng Nai) để chuyển loại Su-30MK2. Anh nhớ rõ cảm giác khi lần đầu được lái máy bay được mệnh danh "hổ mang chúa". "Dù đã được học dưới đất qua buồng lái rồi nhưng khi máy hoạt động các nút sáng nhấp nháy, tôi vẫn thấy hồi hộp vì có hàng trăm thiết bị trước mắt", phi công 26 tuổi kể.
Giờ đây, hệ thống khí tài đồ sộ, phức tạp trên Su-30MK2 trở nên thân thuộc với Thành, đến mức "nhắm mắt lại vẫn biết chúng nằm ở đâu". "Nghề phi công quân sự, từ lúc bước vào buồng lái cho đến khi hạ cánh không được nghĩ đến ai, cái gì khác, chỉ còn bầu trời và nhiệm vụ", Thành chia sẻ.
Khi phi công đạt đến trình độ nhất định sẽ được học giáo trình huấn luyện chiến đấu. Đó là các nội dung đánh chặn, công kích mục tiêu trên không. Theo trung tá Vương, khi đánh chặn, các bài bay được thực hiện ở độ cao trung đến thấp, sử dụng thiết bị để bắt chặn các mục tiêu.
Bài bay này đòi hỏi phi công phải nghiên cứu kỹ để sử dụng thành thạo hệ thống thiết bị được trang bị trên máy bay. Tùy từng cự ly bắt chặn mục tiêu và cự ly công kích, phi công phải sử dụng vũ khí phù hợp để đạt hiệu quả cao nhất.
Đối với các bài bay công kích mục tiêu trên không, phi công của trung đoàn phải học theo cách đánh của bậc cha anh đi trước, sử dụng chiến thuật "bám thắt lưng địch mà đánh". Khi bắt được mục tiêu thì phải bám sát, đưa mục tiêu vào vòng ngắm theo khả năng cơ động của máy bay, tiêu diệt mục tiêu ở cự li gần, sau đó thoát ly về hướng an toàn.
Khi bay theo biên đội 2 chiếc, 4 chiếc, phi công vừa phải điều khiển máy bay cân bằng, giữ đúng số liệu bay, vừa phải quan sát đội trưởng, giữ khoảng cách đảm bảo an toàn, khi phát hiện mục tiêu thì chiếm vị trí công kích tiêu diệt. Vì vậy, mỗi tay, mỗi chân phi công đều có nhiệm vụ riêng, mắt thì phải tập trung tuyệt đối, bao quát xung quanh.
"Tất cả những động tác, hành trình của phi công đều được ghi lại bằng thiết bị chuyên dụng. Sau khi kết thúc bài bay, chúng tôi sẽ xem lại để đánh giá và rút kinh nghiệm", trung tá Vương nói.
Bên cạnh các bài đánh chặn, công kích địch, phi công trung đoàn 927 còn phải học kỹ thuật nhào lộn, cơ động phức tạp ở các khu vực. Máy bay có thể ở trạng thái bay ngửa, hoặc ở những độ cao thấp, sau đó lên độ cao mới.
Trong khoảng thời gian đó, phi công phải phân phối chú ý rất nhiều cả trong và ngoài để đảm bảo máy bay không rơi vào trạng thái nguy hiểm.
Phi công Đỗ Sơn Hoàng cho biết, với anh, khó nhất là các bài bay được thực hiện trong điều kiện ban đêm, khí tượng phức tạp. Khi đó, phi công điều khiển máy bay hoàn toàn bằng đồng hồ, chịu tác động rất lớn của điều kiện ánh sáng bên trong và bên ngoài buồng lái.
Lúc về hạ cánh, phi công không quan sát được các địa tiêu mặt đất, không nhìn thấy đường băng từ xa mà chỉ sử dụng thiết bị để về thẳng theo trục xuống hạ cánh. Quá trình giảm độ cao, phi công phát hiện được đường băng thì lại bị thay đổi ánh sáng từ trong tối ra sáng nên thích ứng của mắt có phần hạn chế. Khi gần tiếp xúc đến mặt đường lăn, mắt lại chịu tác động của ánh sáng đèn đường băng và đèn đường lăn.
"Chính vì những khó khăn đó, chúng tôi phải được rèn luyện rất tỉ mỉ và kiểm tra chắc chắn, chỉ những người đủ điều kiện mới cho vào bay đêm, bay khí tượng phức tạp", Hoàng nói.
Phi công Đỗ Việt Cường kể, bay trong mây cũng là nội dung khó vì mây có dòng thăng dòng giáng; thậm chí là vòi rồng thổi ngược lên phía trên hoặc dòng xoáy giáng xuống, có thể bẻ gãy máy bay phía dưới hoặc làm mất điều khiển.
"Bay mây đòi hỏi phi công phải phân biệt mây nào thì được vào, còn mây nào phải bay lên trên hoặc bay phía dưới. Nếu như mây có chớp thì không được bay dưới hoặc bay vào mà phải lên trên ít nhất 1 km", Cường nói.
Trung tá Phạm Quốc Vương cho biết thêm, bay biển cũng là một trong những khoa mục khó vì bay ngày thì phi công dễ bị nhầm bóng của các đám mây dưới nước là các hòn đảo; bay đêm trời nhiều sao, mà sao lại phản chiếu xuống mặt nước. Nếu phi công không sử dụng các kỹ năng của bản thân và tuân thủ quy tắc, tin tưởng vào các phương tiện trên máy bay thì rất dễ bị nhầm trời - biển.
Bên cạnh huấn luyện thường xuyên, hàng năm, trung đoàn cử phi công đi tham gia các cuộc diễn tập do Sư đoàn 371 tổ chức, hoặc tham gia diễn tập với các quân binh chủng theo kế hoạch hợp đồng.
"Mỗi lần như vậy chất lượng huấn luyện cho phi công được nâng lên, đặc biệt là trình độ, bản lĩnh sử dụng phương tiện khí tài, làm chủ khoa học kỹ thuật", trung tá Vương nói.
* Su-30MK2 cất cánh huấn luyện chiến đấu
Trung đoàn 927 (Đoàn Không quân Lam Sơn) được thành lập cuối năm 1971. Ngày 10/5/1972, trung đoàn xuất kích đánh thắng trận đầu, bắn rơi 2 máy bay F-4 Phantom II của Mỹ, bắt sống 2 phi công. Kể từ ngày thành lập đến khi kết thúc chiến tranh phá hoại miền Bắc của Mỹ tháng 1/1973, trung đoàn đã xuất kích hơn 200 lần, đánh 63 trận, bắn rơi 43 máy bay các loại, trong đó có 1 pháo đài bay B-52, bắt sống nhiều phi công Mỹ.
Đoàn Không quân Lam Sơn đã được phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân. Để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, năm 2014, trung đoàn kết thúc thực hiện nhiệm vụ trên máy bay MiG-21, chuyển sang nhiệm vụ chuyển loại và huấn luyện chiến đấu trên máy bay Su-30MK2. Ngày 11/11/2016, chiếc máy bay Su30-MK2 đầu tiên mang số hiệu 8586 đã hạ cánh tại sân bay Kép, đánh dấu bước ngoặt lịch sử của trung đoàn.