Một con bò đi tiểu tại một khu vệ sinh được chỉ định trong nông trại New Zealand. Video: AFP
Nhóm nghiên cứu từ New Zealand và Đức cho biết ý tưởng huấn luyện bò đi vệ sinh đúng nơi chỉ định ban đầu xuất phát từ một câu nói đùa, nhưng khi tìm hiểu sâu hơn, họ nhận ra việc xử lý chất thải lỏng giàu nitơ của gia súc theo cách này thực sự có thể mang lại lợi ích khí hậu lâu dài.
Theo tác giả chính của nghiên cứu Douglas Elliffe từ Đại học Auckland của New Zealand, nitơ trong nước tiểu bò theo thời gian bị phân hủy thành hai chất có hại cho môi trường và sức khỏe con người là nitơ oxit (loại khí nhà kính mạnh) và nitrat (tích tụ trong đất, cuối cùng trôi ra sông suối, gây ô nhiễm nguồn nước). Nếu nuôi nhốt trong chuồng trại, nước tiểu và phân bò còn có thể trộn lẫn với nhau tạo ra amonic, một loại khí nhà kính gián tiếp.
"Nếu có thể thu thập 10 - 20% nước tiểu của bò để xử lý, chúng ta sẽ làm giảm đáng kể lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính và quá trình rửa trôi nitrat", Elliffe nhấn mạnh trong bài đăng trên tạp chí Current Biology hôm 13/9.
Trong nghiên cứu này, Elliffe cùng các đồng nghiệp đã sử dụng phần thưởng thức ăn để huấn luyện 16 con bò đi tiểu trong những khu vực vệ sinh được chỉ định.
"Nhiều người cho rằng gia súc không có khả năng kiểm soát đại tiện và tiểu tiện, nhưng thực tế, chúng khá thông minh và có thể học hỏi nhiều thứ", đồng tác giả Jan Langbein, nhà tâm lý học động vật tại Viện Nghiên cứu Sinh học Động vật Trang trại ở Đức, nói thêm.
Thí nghiệm này chứng minh rằng việc huấn luyện bò đi vệ sinh là có thể thực hiện được, nhưng thách thức là làm thể nào để áp dụng nó cho các đàn gia súc lớn ở New Zealand, nơi những con vật thường thích nghi với điều kiện chăn thả ngoài trời thay vì dành phần lớn thời gian của chúng trong chuồng trại.
Theo số liệu chính thức, nền nông nghiệp hiện đóng góp hơn một nửa khí thải nhà kính của New Zealand, chủ yếu ở dạng khí methane (43,5%) và nitơ oxit (gần 10%). Quốc gia ở Nam Thái Bình Dương này đã có nhiều dự án nghiên cứu để xem xét các giải pháp khả thi, chẳng hạn như chăn nuôi gia súc thải khí methane thấp, sử dụng thức ăn giảm phát thải và thậm chí tiêm phòng cho động vật để chúng tạo ra ít khí độc hại hơn.
Đoàn Dương (Theo AFP/UPI)