Bất cứ ai từng sinh sống ở Sài Gòn đều quen thuộc với âm thanh lóc cóc vang lên khi đêm về trong hầu hết những con hẻm của quầy hủ tiếu gõ.
Người bán hủ tiếu gõ hầu như là người xứ Quảng với giọng nói chân chất, nhẹ nhàng, dễ mến. Không ai biết món hủ tiếu gõ xuất hiện từ khi nào và tại sao chủ yếu người bán lại là người Quãng Ngãi. Không cần khéo tay, không cần nhiều vốn, nhưng với sự chịu thương chịu khó, nghề bán hủ tiếu gõ đã trở thành chiếc cần câu cơm, giúp những người dân tha hương kiếm sống qua ngày.
Quầy hủ tiếu gõ chỉ đơn giản là một chiếc xe đẩy được trang bị bếp lò, phía trên đặt một thùng nước lèo luôn bốc khói nghi ngút, có ngăn để tô, muỗng, gia vị và mì. Công thức nấu nước lèo khá đơn giản với xương heo, củ cải trắng, đường, bột ngọt nêm vừa ăn. Thành phần đầy đủ của một tô hủ tiếu mỗi thứ một chút nhưng hòa quyện với nhau hài hòa và quyến rũ: một chút hủ tiếu khô, một ít giá, vài lát thịt thái siêu mỏng, hẹ, hành khô và vài miếng tóp mỡ béo bùi. Khách hàng chính của các quầy hủ tiếu gõ là sinh viên, những người lao động nghèo và dù tô hủ tiếu chỉ có vài ngàn đồng thì thực khách vẫn được phục vụ đầy đủ chanh, tương ớt, khăn giấy.
Mỗi hàng hủ tiếu gõ thường sẽ một cậu bé đi theo cầm hai thanh tre hoặc thanh sắt gõ vào nhau tạo ra những âm thanh liên tục để mời gọi khách hàng. Nghe tiếng lóc cóc là biết có hàng hủ tiếu gần đó. Ai muốn ăn, chỉ cần kêu anh gõ, anh ta sẽ quay về xe hủ tíu và một lát sau bưng một bát nóng hổi lại tận nhà cho người mua, rồi lại tiếp tục đi sâu vào những con hẻm khác gõ lóc cóc mời gọi. Đến cuối ngày, sau khi bán xong, anh gõ mới quay lại từng nhà để thu nhặt những tô hủ tíu khách hàng đã ăn xong mang về.
Những hôm về khuya đói bụng, ghé quán hủ tiếu gõ quen thuộc, ngồi ở lề đường thưởng thức một tô hủ tiếu gõ dưới ánh đèn vàng vọt của con hẻm nhỏ thấy cuộc sống sao mà bình yên.
Trải qua nhiều thăng trầm, hủ tiếu gõ vẫn là món ăn ngon, bổ, rẻ của tầng lớp người lao động, sinh viên nghèo và trở thành một nét văn hóa rất riêng, rất bình dị khiến người ta nhớ nhiều khi xa mảnh đất Sài Gòn.
Bài và ảnh: Duyên Mới