Hủ tiếu là món ăn gần như “độc quyền” của miền Nam với nhiều cái tên đã thành thương hiệu như hủ tiếu Nam Vang, Sa Đéc, Mỹ Tho hay hủ tiếu người Hoa. Tuy nhiên, hủ tiếu chay vẫn còn khá xa lạ với nhiều người. Món ăn chay nhưng vẫn đậm đà nhờ rau củ quả, không kém gì các món hủ tiếu mặn khác.
Hủ tiếu chay có thể được tìm thấy ở nhiều con đường tại Sài Gòn. Bạn có thể ghé thử các quán nằm trên đường Phan Văn Trị, Ung Văn Khiêm...
Cũng như các loại khác, để có một bát hủ tiếu thơm ngon đúng vị, nước dùng đóng vai trò quan trọng. Thay vì sử dụng nước dùng ninh với xương ống, đầu bếp chế biến sử dụng nước hầm từ các loại củ quả như nấm rơm, cà chua, củ cải, cà rốt. Các nguyên liệu trên sẽ giúp nước có vị ngọt thanh và mùi thơm từ rau củ quả.
Sợi hủ tiếu ngon có màu trong suốt, gắp lên không bị gãy. Nếu như hủ tiếu mặn chủ yếu là các loại thịt, hải sản thì bát hủ tiếu chay hài hòa màu sắc với nhiều loại rau củ. Nhìn qua bát ăn, bạn sẽ thấy màu vàng ruộm của những miếng váng đậu rán giòn, xen lẫn sắc vàng nhạt của những lát váng đậu chỉ mới trần qua với nước. Những miếng nấm hương có vị thơm đặc trưng, đi kèm với các khoanh cà rốt đỏ tươi. Tùy vào cửa hàng hoặc nếu bạn chế biến tại nhà có thể cho thêm các loại nấm khác như nấm đùi gà, kim châm...
Đặc trưng của hủ tiếu chay là vị ngọt thanh, hợp với thực khách trong thời tiết nóng nực. Nước dùng trong, không gợn váng mỡ. Ngoài những nguyên liệu kể trên, bạn có thể cảm nhận được vị ngọt của cải thảo, củ cải trắng tươi và củ cải muối. Để món ăn trông bắt mắt và không nhạt nhẽo, người đầu bếp sẽ rắc thêm đậu phộng và hành khô chiên thơm lừng.
Một trong những nguyên liệu thú vị trong bát hủ tiếu chay là miếng chả giò. Thay vì làm từ thịt như những loại thông thường, miếng chả giò chay làm từ đậu xanh và khoai môn. Rau ăn kèm với bát hủ tiêu chay cũng đa dạng nhưng nhất thiết phải có xà lách xanh to bản và giá sống trắng nõn. Các loại khác như hẹ, mùi tàu, ngò cũng được sử dụng tạo màu xanh mát cho tô hủ tiếu.
Minh Đức