Người Muisca (hay còn gọi là Chibcha) cổ đại làm ra những hũ gốm gọi là "ofrendatarios" cách đây khoảng 600 năm. Muisca, nền văn minh phát triển ở Colombia vào thời kỳ đó, nổi tiếng với kỹ thuật chế tác kim loại. Những tác phẩm của họ có thể đã truyền cảm hứng cho truyền thuyết về thành phố vàng El Dorado.
Các nhà khảo cổ học khai quật đền thờ và nhiều ngôi mộ ở tàn tích thị trấn của người Muisca nằm gần Bogotá, thủ đô ngày nay của Colombia. Nhóm nghiên cứu đứng đầu là Francisco Correa, nhà khảo cổ học phụ trách công tác khai quật trước khi chính quyền địa phương xây dựng đường, tìm thấy 8 hũ gốm chứa đầy đồ tạo tác bằng vàng, bạc và ngọc lục bảo. Một số bức tượng có hình dáng giống rắn và các loài động vật khác trong khi số còn lại giống hình người đeo trang sức trên đầu và mang vũ khí. Ngôi đền nơi phát hiện các hũ gốm có thể phục vụ thờ cúng tổ tiên.
Đền thờ và hũ gốm có thể liên quan tới những nữ thần mà người Muisca thờ phụng, gắn liền với Mặt Trăng và Mặt Trời. Người Muisca là bậc thầy về chế tác kim loại. Khi người Tây Ban Nha xâm chiếm Muisca, họ đặc biệt ấn tượng với đồ tạo tác bằng vàng của cư dân trong vùng. Không có mỏ vàng nào ở gần đó, vì vậy người Muisca cổ đại có thể trao đổi kim loại với dân tộc khác. Theo Correa, trong một số nghi thức, thủ lĩnh người Muisca sẽ bôi lên cơ thể loại cao chứa hạt vàng.
Correa đang cộng tác với Bảo tàng Del Oro và khoa Kỹ thuật công nghiệp của Đại học Xavieria để tiếp tục khai quật. Ông cũng hợp tác với công ty Artec 3D để tạo bản scan các cổ vật.
An Khang (Theo Live Science)