One E8 còn được coi là phiên bản vỏ nhựa từ mẫu One M8 nổi bật của HTC năm ngoái. Máy sở hữu thiết kế không khác nhiều bản cũ trừ việc không dùng chất liệu kim loại. Màn hình vẫn là Full HD với kích thước 5 inch.
So với các smartphone tầm trung tầm giá 6 đến 7 triệu đồng, cấu hình là điểm hấp dẫn nhất ở E8 khi nó dùng vi xử lý Snapdragon 801 cao cấp của Qualcomm, thay vì dòng vi xử lý Snapdragon series 6 và MediaTek như nhiều đối thủ cùng tầm tiền khác.
Ngoài việc hỗ trợ 2 sim, HTC One E8 vừa được bán trở lại trên thị trường khác với mẫu cũ năm ngoái là việc có giao diện Sense mới, chạy sẵn Android 5.0 Lollipop cũng như hỗ trợ thêm công nghệ sạc nhanh Quick Charge.
Thiết kế và màn hình
One E8 dễ nhận diện nếu nhìn từ phần lưng vì nó sử dụng bộ vỏ nhựa thay vì kim loại. Cảm giác cầm máy dày và nặng hơn một chút so với đàn anh.
HTC không chỉ dùng một mà thay vào đó là hai kiểu sơn khác nhau. Các mẫu One E8 màu trắng và đỏ là lớp sơn bóng bẩy, bắt mắt nhưng trơn tay khi cầm và dễ xước dăm nếu không được giữ gìn. Trong khi hai màu còn lại là đen và xanh da trời là kiểu sơn nhám, cầm thích nhưng kém nổi bật.
Khác bản một sim bán chính hãng năm ngoái, HTC One E8 Dual sim vừa quay lại thị trường là phiên bản 2 sim. Khay đựng sim được bố trí ở cạnh trái, cả hai đều hỗ trợ chuẩn nano bé xíu còn ở phía cạnh phải là khay đựng thẻ nhớ định dạng microSD, với dung lượng hỗ trợ tối đa lên tới 128GB.
Một chi tiết cần chú ý, khay sim đôi của E8 vẫn phân biệt khe sim chính và phụ nhưng không có thông tin minh hoạ. Và chỉ khay chính mới hỗ trợ kết nối 3G/4G, còn khe phụ số 2 chỉ hỗ trợ mạng 2G. Một điểm hơi bất tiện nếu so với nhiều model tầm trung 2 sim hiện giờ.
Điểm chưa hài lòng ở One E8 là phần phím âm lượng mỏng và chìm, khó bấm. Phím nguồn cũng vậy, được đặt ở trên đỉnh và phải với tay để nhấn. May mắn là HTC vẫn trang bị cho One E8 tính năng điều khiển thông minh Motion Launch - cho phép mở máy hay khởi động nhanh các ứng dụng mà không cần chạm tới nút nguồn để làm màn hình sáng lên. Một chút đáng tiếc nữa là mắt hồng ngoại nằm trên đỉnh không có trên E8, vì vậy, tính năng điều khiển từ xa như One M8 không còn nữa.
Nếu nhìn từ phía trước, One E8 trông giống hệt với M8 khi màn hình cùng kích thước 5 inch, được đặt ngay giữa hệ thống loa kép BoomSound. Nhưng nhược điểm về thiết kế của M8 cũng bị lặp lại trên đàn em vỏ nhựa.
Cạnh dưới của máy trông dài và thừa phần để logo HTC trong khi dãy phím điều hướng của Android lại chuyển thành dạng ảo đưa vào bên trong màn hình, khiếnviệc hiển thị ở màn hình của One E8 bị bó hẹp đi đáng kể. Trên giao diện Sense 6 bản mới, HTC cũng không có tuỳ chọn ẩn đi dãy phím này như trên bản Sense 7 của M9.
Màn hình là ưu điểm đáng tiền của HTC One E8 nếu so với các smartphone tầm trung khác. Không như thiết kế, HTC đem nguyên màn hình từ M8 lên phiên bản vỏ nhựa giá rẻ với tấm nền S-LCD 3, kích thước 5 inch và độ phân giải Full HD 1.080p. One E8 thể hiện hình ảnh trong trẻo, góc nhìn rộng và màu sắc chân thực đặc biệt với tông màu da, rất phù hợp để xem phim.
Nếu xét trong tầm giá 8 triệu đồng đổ xuống, One E8 là smartphone có khả năng hiển thị rất tốt. So với Xperia M4 Aqua hay Xperia C4 Dual, model tới từ HTC hiển thị trong trẻo, sắc nét hơn. Cũng cần lưu ý, màn hình của HTC nghiêng về tông màu ấm, hơi vàng chứ không phải màu xanh cho ra tông lạnh. Khác với Sony, HTC không cho phép cân chỉnh lại tông màu.
Ảnh mở hộp HTC One E8 Dual sim
Hiệu năng và thời lượng pin
Nếu chỉ xét đến hàng chính hãng, One E8 là chiếc smartphone dùng chip Snapdragon 801 rẻ nhất hiện giờ. Khi mà những model chip tương đương vẫn đắt hơn tới vài triệu đồng, ví dụ LG G3 có giá gần 8 triệu đồng, thậm chí Xperia Z3 còn tới 13, 14 triệu đồng. Còn tính thêm phân khúc "xách tay", đối thủ đáng gờm cùng cấu hình với One E8 là Mi4 tới từ Xiaomi nhưng dù vậy giá bán tương đương, không rẻ hơn được nhiều.
Pin là điểm được đánh giá cao trên One E8, tuy nhiên, nó không chỉ ở thời lượng khá lâu mà việc hỗ trợ thêm công nghệ sạc nhanh Quick Charge. Đây là tính năng chỉ xuất hiện trên các dòng máy cao cấp và đắt tiền, hiếm thấy trên các smartphone tầm trung dưới 10 triệu đồng, ngay cả những model đời mới. Tuy nhiên, người dùng nếu muốn sử dụng phải mua thêm một bộ sạc riêng vì củ sạc đi kèm với One E8 chính hãng là loại thường.
Thời lượng pin của One E8 tương đối tốt với dung lượng 2.600 mAh, tương đương với chiếc C4 của Sony. Dù vậy, nó lại cho thời gian kiểm nghiệm bằng PC Mark lâu hơn hai đối thủ trực tiếp là Xperia M4 Aqua cũng như Xperia C4 Dual, khi đạt được tới hơn 7 giờ qua hàng loạt các tác vụ liên tục như lướt web, duyệt ảnh hay xem video... Thời gian sử dụng trung bình của máy có thể đạt hơn 1 ngày đến 1 ngày rưỡi ngay cả khi sử dụng 2 sim và duy trì kết nối Internet thường xuyên.
Tuy nhiên, một điểm đáng chú ý trong mẫu máy thử nghiệm, thời gian pin tụt từ mốc sạc đầy 100% xuống 99% rất nhanh, có thể chỉ sau một, hai phút.
Giao diện và hệ điều hành
Ra mắt từ năm ngoái, nhưng xét đến phần mềm, One E8 lại không hề cũ kỹ. Nếu như thiết kế là kế thừa từ One M8 thì phần mềm lại có nhiều điểm mới như trên One M9. Phiên bản 2 sim vừa mới bán chính hãng ở Việt Nam đã được cài đặt sẵn hệ điều hành Android 5.0.2 Lollipop với giao diện Sense 6.0.
So với E8 của năm ngoái, giao diện Sense trên One E8 2 sim mới mẻ hơn nhiều. Người dùng đã có thể chỉnh sửa, làm mới giao diện bằng các chủ đề Theme. Sense Home, Widget thông minh tự xếp ứng dụng phù hợp khi người dùng ở nhà, nơi làm việc hay đang ra ngoài. Điểm đáng tiếc duy nhất là việc thanh điều hướng trên bản Sense 6 này vẫn chưa có chế độ tuỳ chỉnh, giấu đi khi cần thiết như ở Sense 7 của M9.
Nhìn chung, nếu muốn trải nghiệm những phần mềm và tính năng thú vị của HTC, One E8 là một sự đầu tư hợp lý mà vừa tiền. Ngay cả những mẫu Desire tầm trung mới ra nửa đầu 2015 cũng không có được giao diện Sense đầy đủ và tốt như trên One E8.
Camera và âm thanh
Với hệ thống loa kép BoomSound hướng về phía trước, One E8 là chiếc điện thoại có loa ngoài hay, âm lượng lớn và sống động. Điều này đạt hiệu quả rất rõ khi chơi game hay xem phim, âm lượng phát ra từ loa ngoài đủ dùng và không cần thiết phải có thêm bộ loa di động mini nữa.
Tuy nhiên, camera lại chưa đem lại sự hài lòng so trên HTC One E8. So với những mẫu smartphone tầm trung mới ra, camera trên One E8 không để lại nhiều dấu ấn cũng như sự vượt trội rõ rệt, dù từng là một model cao cấp.
Camera chính trên máy có dạng đơn thay vì kép như ở M8 với cảm biến 13 megapixel và đèn Flash LED đơn. Việc thiết kế đặt camera nằm ở trung khiến cho nó dễ bám bẩn và ảnh hưởng nhiều đến chất lượng ảnh chụp, đặc biệt là ở điều kiện thiếu sáng.
Tính năng chụp phong phú, giao diện chụp ảnh đơn giản và tiện dụng là ưu điểm của One E8. Chỉ cần vuốt lên hay xuống, người dùng có thể chuyển nhanh sang camera trước hay chuyển sang các chế độ chụp Zoe, chụp ảnh kép hay Panorama. Trong khi đó, các thông số cài đặt như ISO, bù trừ sáng, cân bằng trắng hay chèn thêm hiệu ứng màu sắc có thể can thiệp nhanh sau khi nhấn vào phím ... ở góc khung ngắm.
Ở chế độ chụp thủ công Manual, người dùng có thể tự điều chỉnh được thông số WB, ISO (từ mức 100 đến 1600), phơi sáng tối đa 2 giây cũng như lấy nét tay, điểm hơn các model Xperia cùng tầm mới ra như C4 và M4. So với hai đối thủ này, điểm nhỉnh hơn ở E8 còn ở tốc độ chụp và lấy nét nhanh hơn hẳn, cảm giác chạm là chụp chứ không lề mề như Xperia C4.
Ảnh chụp thử từ HTC One E8:
Chất lượng ảnh từ camera chính của One E8 cũng chỉ ở mức trung bình khá so với các smartphone tầm trung trên thị trường. Khác với khi nhìn trên màn hình điện thoại, ảnh xem lại trên máy tính cho ra màu sắc nhợt nhạt hơn, hậu quả đến từ việc màn hình One E8 đẹp và nịnh mắt.
Độ chi tiết trên camera chính chỉ ở mức trung bình. Bức ảnh chụp tán cây phượng khi nhìn trên máy tính cho thấy hiện tượng mất chi tiết khá rõ khi chưa phóng lớn. One E8 khi chụp hình cũng thường có xu hướng tăng ISO để đẩy sáng nên chỉ cần chụp trong điều kiện hơi thiếu sáng, nhiễu đã xuất hiện khá nhiều. Ngoài ra, máy cũng thường chủ động nâng sáng cao hơn mức cần thiết khiến cho nhiều cảnh chụp phong cảnh thông thường ngoài trời bị cháy sáng.
Camera trước gỡ gạc lại đôi chút cho One E8 khi có độ phân giải cao (5 megapixel) và cho ra chất lượng ảnh chân dung khá nịnh mắt. Chế độ tự động chỉnh sửa chân dung của HTC hoạt động hiệu quả, làm cho làn da trông mịn và khá thật. Ngoài ra, phần mềm chụp hình của E8 còn thuận tiện để chụp ảnh "tự sướng" cũng như có thêm vài chế độ mở rộng. Dù vậy, camera trước của E8 góc hẹp hơn M8.
Video đánh giá HTC One E8 2 sim
Với những mặt tốt và nổi trội từ thiết kế, cấu hình cho tới tính năng, âm thanh lẫn màn hình, HTC One E8 dual vẫn là mẫu smartphone tầm trung đáng tiền nhất hiện giờ.
Tuấn Anh