Bạn còn nhớ những Evo 4G, Google Nexus One, Touch Diamond? Đó chỉ là ba trong số những thiết bị được đánh giá cao bởi thiết kế đẹp và những tính năng đi trước, được sản xuất bởi công ty điện thoại đến từ Đài Loan - HTC.
Nhưng chỉ trong một thập kỷ, HTC giờ đây đang rất vất vả để tồn tại. Gần nhất, hãng đang lên kế hoạch sa thải 1/4 nhân viên của mình, khoảng 1.500 nhân sự. Sau khi cắt giảm, số nhân viên còn lại chưa tới 5.000 người, trong khi năm 2013 là 19.000 người.
HTC được thành lập vào năm 1997 và tạo dựng tên tuổi ban đầu như một công ty chuyên sản xuất thiết bị cầm tay cho các nhà cung cấp mạng hàng đầu thế giới. Sau đó, công ty cũng có một dòng PDA (thiết bị cầm tay cá nhân) mang tên HTC, bắt đầu cạnh tranh với các điện thoại thông minh thuở sơ khai, trong đó có BlackBerry (khi đó có tên là RIM - Research in Motion).
Năm 2007, HTC bắt đầu tạo được tiếng vang nhờ các thiết bị mang màn hình cảm ứng cải tiến chạy Windows Mobile 6.0. Một năm sau, hãng tiếp tục gây ấn tượng khi giới thiệu dòng smartphone Touch với các mẫu Touch Diamond, Touch Pro, Touch 3G và Touch HD. Khi đó, những chiếc máy này được đánh giá tích cực nhờ hiệu năng cao, pin lớn, có khe cắm thẻ nhớ và thậm chí một số mẫu còn có camera trước cho cuộc gọi video, như Touch Pro. Những tính năng bây giờ cho là bình thường nhưng thời bấy giờ lại là điểm nhấn.
Khi mang Windows Mobile lên các dòng điện thoại thông minh, HTC đã tùy biến sao cho người dùng có trải nghiệm dễ dàng hơn. Khi đó, hệ điều hành Android mới hình thành và việc lựa chọn nền tảng Microsoft được cho là bước đi đúng đắn để cạnh tranh lại hệ điều hành Symbian của Nokia và BlackBerry của RIM. Theo Techcrunch, công ty Đài Loan đã tùy biến tốt nhất Windows Mobile trên điện thoại của mình, dù nó còn gây một số khó khăn cho người dùng mới.
Năm 2009, HTC ra mắt smartphone đầu tiên chạy Android - HTC Dream (hoặc HTC G1) và cũng là thiết bị thương mại đầu tiên trên thế giới chạy hệ điều hành này, mở ra thời kỳ rực rỡ cho nền tảng di động của Google.
Sau đó, HTC tiếp tục với Android và thành công bằng các mẫu Droid Incredible, Evo 4G, Google Nexus One vào 2010. Sau bước đệm đó, công ty chuyển qua nền tảng mới và với việc tạo một giao diện hấp dẫn, tính năng phong phú, các sản phẩm HTC trở thành đối trọng với iPhone của Apple.
Thế nhưng, khi người ta đang kỳ vọng vào một HTC có thể lật đổ Apple, Google lại bắt tay với Samsung - một thế lực Android khác - để sản xuất Nexus thế hệ thứ hai và thứ ba. HTC lúc này mất đi một đối tác quan trọng, cộng thêm sự cạnh tranh của Samsung, họ bắt đầu có dấu hiệu không theo kịp.
Sau đó, HTC lần lượt trình làng HTC One, One Max, One M8... với thiết kế đẹp hơn, thậm chí đi đầu về camera kép nhưng không thành công. Doanh số cũng từ đó giảm dần.
Theo thống kê từ Nielsen, cuối năm 2010, HTC là nhà cung cấp smartphone đứng đầu nước Mỹ, đến năm 2014 chỉ còn hơn 5% thị phần. Còn theo số liệu của Statcounter, thị phần HTC tại Mỹ hiện tại chưa tới 0,5%. Trên thế giới, bản đồ thiết bị di động cũng không còn có sự xuất hiện của hãng điện thoại Đài Loan.
Đỉnh điểm 2017, khó khăn đã khiến HTC phải bán mình cho Google với giá 1,1 tỷ USD. Đây có thể là quyết định tốt cho cả hai, nhưng cũng đánh dấu cho sự suy tàn của một trong những công ty điện thoại thành công, sau Nokia và BlackBerry.
Ngày nay, HTC vẫn sản xuất một số smartphone, mới nhất có HTC U12+, nhưng mảng được hãng tập trung là thực tế ảo với kính Vive. Một số chuyên gia kỳ vọng, công ty Đài Loan có thể vận dụng kinh nghiệm đi đầu về lĩnh vực smartphone trước đây để áp dụng cho thực tế ảo - vốn cũng là một mảng hứa hẹn tương lai tươi sáng. Tuy vậy, khả năng thành công vẫn đang bị bỏ ngỏ.
Bảo Lâm