Báo cáo "Bảng cân đối kế toán của các ngân hàng nói lên điều gì?" do HSBC vừa công bố cho biết, nợ hộ gia đình ở Việt Nam đang là một "mối quan tâm lớn" vì có khả năng chịu tác động xấu, đặc biệt khi thị trường lao động gặp ảnh hưởng tiêu cực.
Kết luận này dựa trên việc phân tích báo cáo tài chính của 4 ngân hàng quốc doanh nhóm "Big 4" là Vietcombank, BIDV, Vietinbank và Agribank. Nhóm này vốn chiếm một nửa tổng dư nợ toàn thị trường.
Theo đó, đang có sự gia tăng rủi ro trong lĩnh vực cho vay tiêu dùng, đi cùng với tình hình nợ hộ gia đình tăng cao. Nếu như năm 2013, vay hộ gia đình chỉ chiếm 28% tổng cho vay của "Big 4" thì năm 2020, tỷ lệ này đã đạt 46%. Điều này đồng nghĩa, nợ hộ gia đình đã tăng nhanh từ 25% GDP lên 61% trong cùng giai đoạn.
Tăng trưởng nợ hộ gia đình giảm đáng kể vào năm 2020, nhưng vẫn thuộc mức độ cao. Tính theo lực lượng lao động, nợ tiêu dùng thậm chí đã tăng vọt từ 41% thu nhập năm 2013 lên hơn 100% năm 2020.
HSBC thừa nhận có những hạn chế trong việc đánh giá vì nợ hộ gia đình bao gồm vay sử dụng vào mục đích kinh doanh. Ví dụ, dựa theo tiêu chuẩn của IMF thì hơn 50% nợ hộ gia đình là tín dụng cấp cho các doanh nghiệp tư nhân, và 25% là vay thế chấp.
Tuy nhiên, các chuyên gia ngân hàng này cho rằng, giả sử áp dụng tiêu chuẩn của IMF vào trường hợp Việt Nam thì cho vay tiêu dùng chiếm khoảng 50% thu nhập trên một lao động vào năm 2020 vẫn là một tỷ lệ cao với thị trường mới nổi như Việt Nam. "Đòn bẩy tiêu dùng cao có thể kéo giảm chi tiêu của người tiêu dùng trong tương lai, đặc biệt là khi điều kiện thị trường lao động bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch", báo cáo nhận xét.
Nền kinh tế Việt Nam đang ở trong tình trạng phát triển mạnh mẽ hơn so với các nước trong khu vực, nhưng thị trường lao động yếu vẫn là đáng ngại với phục hồi nhu cầu trong nước. Tỷ lệ thất nghiệp giảm xuống 2,4% trong quý I/2021, từ mức cao nhất là 2,7% trong quý II/2020.
Tuy nhiên, việc làm vẫn ít hơn 950.000 vị trí so với trước dịch và lần đầu tiên trong những năm gần đây tiền lương suy giảm. Cùng với đó, phần lớn lực lượng lao động đang là lao động phi chính thức, với mạng lưới an sinh xã hội còn ít.
HSBC cho rằng, nên tiếp tục kích thích tài chính cho các hộ gia đình dễ bị tổn thương và người lao động. Việc cấp tín dụng và hoãn thuế cho các doanh nghiệp hộ gia đình cần phải được đẩy nhanh, để tăng tốc phục hồi tiêu dùng tư nhân.
Báo cáo cũng xém xét hai chỉ số ngân hàng quan trọng là nợ xấu (NPL) và tỷ lệ an toàn vốn (CAR). Theo HSBC, nợ xấu được thể hiện trong bảng cân đối kế toán chỉ tăng nhẹ vào năm 2020, nhưng "nên lưu ý đến rủi ro nợ xấu hệ thống đang gia tăng". Việt Nam vẫn là nước ASEAN duy nhất trong phạm vi nghiên cứu của nhà băng này chưa đáp ứng đầy đủ các tiêu chuẩn Basel II.
"Chưa thấy rủi ro ngay lập tức, nhưng việc tăng tốc cải cách sẽ giúp xây dựng vùng đệm vốn và ngăn ngừa các cú sốc tiêu cực trong tương lai", báo cáo khuyến nghị.
Viễn Thông