Thứ sáu, 9/2/2018, 11:31 (GMT+7)

Hristo Stoichkov - 'con dao găm' của Cruyff ở Barca

Huyền thoại vừa sang tuổi 52 hôm 8/2 là sự kết hợp tuyệt vời giữa Zlatan Ibrahimovic và Diego Costa - vừa đáng yêu, đáng ghét lẫn đáng sợ.

Nếu có thể đánh giá một con người qua biệt danh, rất có thể Stoichkov sẽ bị xếp vào hàng ngũ… giang hồ, đâm thuê chém mướn. Vì biệt danh của ông thời đỉnh cao phong độ là "Dao găm". Mấy năm khoác áo Barca, CĐV ở Tây Ban Nha còn gọi ông là "El Pistolero" (Tay súng). Nói chung, biệt danh nào cũng sặc mùi băng đảng, như chuẩn bị đánh nhau tới nơi.

Stoichkov quả nhiên rất thích gây hấn trên sân. Ngay từ khi ở Bulgaria, ông đã dính án cấm thi đấu… vĩnh viễn vì tham gia vào cuộc xô xát đáng xấu hổ ở chung kết Cup Quốc gia 1985. CLB của Stoichkov - CSKA Sofia - và đối thủ cùng thành phố Levski vốn thù nhau đã lâu. Và chung kết năm ấy là đỉnh cao của sự thịnh nộ. CĐV đánh nhau trên khán đài và dưới sân, một màn loạn đả diễn ra trong 10 phút cuối trận, khiến trọng tài rút thẻ đỏ mỏi tay. Sáu cầu thủ sau đó dính án cấm thi đấu trọn đời, trong đó có Stoichkov. Sau một cuộc kháng án, án cấm trọn đời của Stoichkov được giảm xuống còn 14 tháng.

Stoichkov bóp cổ Hierro, dẫm lên chân trọng tài và lĩnh án treo giò ngay trong trận El Clasico đầu tiên.

Sau khi rời Bulgaria, Stoichkov gia nhập Barca, trở thành viên gạch quan trọng nhất trong kế hoạch tạo dựng Dream Team của Johan Cruyff. Vừa sang môi trường mới là ông… đánh nhau ngay. Ngay trận El Clasico đầu tiên, ông đạp lên chân trọng tài và lĩnh án treo giò hai tháng. Cruyff phải bảo vệ Stoichkov rất nhiều trong thời gian này, khi truyền thông Catalonia một mặt tán thành với biệt danh “Dao găm” mà người ta đã đặt cho Stoichkov, mặt khác bổ sung: đấy là con dao… hai lưỡi.

Nhưng Stoichkov tất nhiên không chỉ giỏi đá người, ông còn là một thiên tài đá bóng. Bởi vì, sau 14 tháng treo giò ở Bulgaria, ông vừa trở lại đã giúp CSKA Sofia vô địch Bulgaria mùa giải 1986-1987. Đến năm 1990, ông đã vô địch Bulgaria lần thứ ba. 38 bàn chỉ sau 30 trận đấu mùa giải năm ấy giúp Stoichkov giành Chiếc Giày Vàng châu Âu. Cruyff, một con người luôn đề cao cá nhân, đã… chịu hết nổi, và phải làm mọi cách để mang ông sang Camp Nou.

Mùa giải đầu tiên ở Barca, Stoichkov chơi chưa bốc lắm, nhưng vẫn giành được chức vô địch La Liga. Trong 5 năm đầu tiên chơi cho Barcelona từ 1990 đến 1995 (sau này, ông có trở lại chơi cho Barca thêm hai năm từ 1996 đến 1998, nhưng không mấy thành công), Stoichkov được coi là thủ lĩnh của Dream Team do Cruyff gầy dựng. Cần phải nhắc: trước khi Florentino Perez xây dựng Galactico vào đầu thập niên 2000, thực ra Cruyff đã áp dụng chính sách toàn sao cho Barca trong đầu thập niên 1990, và Dream Team là một cách gọi không thể hay hơn.

Cruyff đề cao những cá thể tài năng và ông chấp nhận cá tính của Stoichkov để đưa danh thủ Bulgaria về Barca. 

Đấy là một thời kỳ mà gần như tất cả những cầu thủ tấn công tốt nhất thế giới đều tề tựu về Barca. Vậy mà Stoichkov vẫn được xem là thủ lĩnh của dàn ngôi sao hùng hậu ấy. Phong cách máu lửa và vẫn hiệu quả trên sân của Stoichkov không lẫn với ai. Ở ngoài đời, ông hay xuất hiện với chiếc áo phanh ngực, lộ một bộ ngực đầy lông, trên cổ đeo cái dây chuyền vàng nặng chịch, nhìn ông không thua gì những trùm mafia trong các bộ phim đương thời của Hollywood.

Stoichkov ăn mặc như Bố già, còn nói chuyện thì ông cứ như... bố đời thiên hạ. Sau khi giành Quả Bóng Vàng 1994, ông nói: “Trên đời này có hai Chúa. Một đang chơi cho Barca, người còn lại ở trên thiên đàng”. Daniel Storey, trong loạt bài viết về các biểu tượng bóng đá, đã gọi Stoichkov là sự kết hợp hoàn hảo giữa “chất nghệ sĩ của một ngôi sao nhạc rock với sự hung hãn của một con tê giác”.

Latchezar Tanev, đồng đội của Stoichkov ở đội tuyển Bulgaria, nói: “Anh ấy cảm thấy thoải mái khi gây sự. Thỉnh thoảng anh ấy còn tự tạo ra tranh cãi xung quanh mình. Nhưng đấy là một thiên tài thực sự. Mà thiên tài thì thường… hơi khùng”.

Hristo Stoichkov
 
 
Tài nghệ của Stoichkov trong màu áo Barca. 

Sinh ra trong một gia đình nghèo khổ tại ngôi làng Yasno Pole, ngoại ô Plovdiv, bóng đá là con đường duy nhất để cậu bé Stoichkov thoát nghèo. “Chúng tôi đều mơ về bóng đá khi còn nhỏ”, ông nói. “Nhưng không ai nghĩ mình có thể làm được”.

Stoichkov là đứa trẻ duy nhất trong làng thành danh những năm ấy. Không chỉ thành danh, mà còn thành danh rực rỡ. Bóng đá là cõi thiền duy nhất của cậu bé Stoichkov lớn lên trong một môi trường ngập tràn bạo lực. Và cũng như Zlatan sau này, gồng lên là cách duy nhất để sống sót. Lại là Daniel Storey, đã có một ví von thật đắt: “Stoichkov như một con chó với quả bóng là món đồ chơi yêu thích nhất của nó, sẽ cắn vào bất kỳ ai dám ngăn cản anh ấy lấy bóng và ghi bàn”.

Chiếc Cup C1 năm 1992 là đỉnh cao trong sự nghiệp của Stoichkov.

Khi Stoichkov sang Barca năm 1990, báo chí Đông Âu đã gọi đấy là câu chuyện của Lọ Lem thời hiện đại, khi một chàng trai nghèo Đông Âu được khoác áo CLB mạnh nhất thế giới vào lúc ấy. Tại đây, ông hợp với Romario - một siêu quậy khác - tạo thành một cặp song sát. Họ cùng nhau mang Barca đến bốn chức vô địch La Liga liên tiếp, và giành chiếc Cup C1 đầu tiên trong lịch sử (1992). Cũng trong năm ấy, Stoichkov về nhì trong cuộc bầu chọn Cầu thủ hay nhất năm của FIFA. Một đội bóng hoàn hảo, được tạo nên bởi những cá nhân dị biệt. Thế nhưng những gì hay nhất của Stoichkov vẫn còn ở phía trước.

Người ta định nghĩa vị trí thi đấu của Stoichkov là tiền đạo. Trên thực tế, ông hiếm khi bám vòng cấm. Stoichkov thích xuất phát từ xa xa rồi mở hết tốc lực lao vào hàng thủ đối phương, như một chiếc máy bay cảm tử kamikaze. Khi Stoichkov đã tăng tốc, ông không mấy khi hãm lại hoặc chuyền cho ai. Ông có kỹ năng dứt điểm rất đa dạng, với mọi phần của bàn chân, từ má ngoài, lòng trong cho đến chích mũi giầy và có cơ man những pha bấm bóng qua đầu thủ môn. Và khi đã dứt điểm, ông luôn chọn phương án tốt nhất. Ẩn sâu con người có vẻ hữu dũng vô mưu ấy lại là một óc phân tích tuyệt vời.

Nasko Sirakov, một đồng đội khác của Stoichkov ở đội tuyển Bulgaria, từng nói: “Anh ấy chuẩn bị cho một trận đấu như người ta chuẩn bị cho một tiệc cưới”.

Thảo nào Stoichkov lại có thể máu lửa đến thế trong các trận đấu. Đội tuyển Đức nổi tiếng với ý chí thép là thế, nhưng khi gặp Bulgaria ở tứ kết World Cup 1994, vẫn bị ý chí bạt sơn của Stoichkov đánh bại. Lothar Matthaus mở tỷ số, nhưng “những cỗ xe tăng” sau đó bị Stoichkov tháo xích phút thứ 75 với bàn gỡ hòa, trước khi Yordan Letchkov ấn định tỷ số 2-1 cho Bulgaria.

“Tôi vẫn thường nói cậu ấy được nuôi lớn bởi sữa của ác quỷ”, Cruyff nói. “Cậu ấy có sức mạnh nội tại khủng khiếp và luôn chơi với hơn 100% khả năng”.

Hành trình vào đến bán kết World Cup năm ấy của Bulgaria thực sự là một điều kỳ diệu, và Stoichkov là người thắp sáng điều kỳ diệu ấy. Bulgaria thua Nigeria 0-3 ngay trận mở màn, một kết quả không làm ai bất ngờ. Người ta tin họ sẽ sớm xách vali về nước vì còn phải gặp Argentina ở cuối vòng bảng. Nhưng thực tế, Bulgaria thắng cả hai trận còn lại. Stoichkov ghi hai bàn vào lưới Hy Lạp, và một bàn vào lưới Argentina. Rồi ông tiếp tục ghi bàn vào lưới Mexico ở vòng 1/8 trước khi làm tung lưới Đức ở tứ kết. Hai đội đã vào đến chung kết World Cup 1990 để trở thành bại tướng của Bulgaria trong vòng hơn chục ngày. Đấy là một thành tựu phi thường, với một quốc gia chưa thắng nổi một trận World Cup nào tính đến trước giải đấu ở Mỹ.

World Cup 1994 - Stoichkov
 
 

Stoichkov là cảm hứng để Bulgaria làm nên bất ngờ lớn nhất, vào tới bán kết World Cup 1994. 

Stoichkov kết thúc World Cup 1994 với phần thưởng dành cho Vua phá lưới, được chọn vào đội hình tiêu biểu của giải đấu. Mấy tháng sau đó, ông giành luôn Quả Bóng Vàng. Ở Bulgaria, ngôi làng Yasno Pole được đổi tên thành Stoichkova để vinh danh người hùng dân tộc. “Chà, bây giờ thì chúng ta đã biết Chúa là người Bulgaria”, Stoichkov nói khi ấy.

Người hâm mộ và giới chuyên môn vẫn thường nghĩ Cruyff chọn ra lối chơi rồi mới áp vào các con người ông có ở Barca. Trên thực tế, ông làm… ngược lại. Sau khi chứng kiến Stoichkov cùng CSKA Sofia ghi hai bàn vào lưới Barca, HLV người Hà Lan quyết định phải mang ngôi sao người Bulgaria về với đội của ông. Và với Stoichkov, Dream Team mới hình thành.

Hãy nhớ câu nói bất hủ của Cruyff: “Nếu bạn không thể gọi món sườn trong một nhà hàng hải sản, vậy thì hãy tìm… nhà hàng khác. Đơn giản thế thôi. Vì sao Barca chơi thứ bóng đá tấn công, vây ráp đối thủ? Vì chúng tôi có những con người hung hãn, luôn thích dồn ép đối phương. Liệu có cách chơi nào khác với những nhân sự ấy không? Xin trả lời: Không thể”.

Khi có Stoichkov, Barca đơn giản là không thể đóng vai… trí thức đọc sách. Họ phải xông pha và làm nên lịch sử. 

Sự nghiệp sau khi rời Barca và trở thành HLV của Stoichkov bị chê bai thảm hại, nhưng trong 5 năm, 1990-1995, huyền thoại người Bulgaria quả thực từng đặt thế giới dưới chân ông. Luis Suarez, Zlatan Ibrahimovic, Diego Costa đều có những khí chất của riêng mỗi người, nhưng trộn ba người lại có lẽ sẽ cho ra khí chất của Stoichkov!

Hoài Thương tổng hợp