Cao ủy Liên Hợp Quốc (LHQ) về Nhân quyền Volker Turk ngày 13/8 cho biết nhóm vũ trang Houthi do Iran hậu thuẫn tại Yemen đã chiếm trụ sở Văn phòng Nhân quyền LHQ tại thủ đô Sanaa vào hôm 3/8 nhưng thông tin hiện giờ mới được công bố. Houthi đã ép các nhân viên tại đây phải giao nộp tài sản, bao gồm tài liệu, đồ đạc và xe cộ.
Lực lượng Houthi "phải rời khỏi cơ sở và trả lại toàn bộ tài sản, đồ đạc ngay lập tức", ông Turk nói.
Phát ngôn viên Houthi không phản hồi khi được yêu cầu bình luận về thông tin.
Đây là động thái mới nhất trong chiến dịch trấn áp của nhóm vũ trang nhằm vào những người làm việc cho LHQ, các tổ chức viện trợ và đại sứ quán nước ngoài ở Yemen. Chiến dịch diễn ra trong lúc lực lượng này tiến hành các cuộc tập kích vào tàu hàng, tàu chiến ở Biển Đỏ và Vịnh Aden để thể hiện ủng hộ với đồng minh Hamas ở Dải Gaza.
Văn phòng Nhân quyền LHQ trước đó cho biết đã tạm dừng hoạt động ở Sanaa và các khu vực do lực lượng Houthi kiểm soát khác tại Yemen sau chiến dịch trấn áp của nhóm vũ trang cách đây hai tháng. Dù vậy, cơ quan này hiện vẫn hoạt động tại những vùng lãnh thổ do chính phủ được quốc tế công nhận ở Yemen kiểm soát.
Lực lượng Houthi hồi tháng 6 bắt hơn 60 người làm việc cho LHQ và các tổ chức phi chính phủ khác, trong đó có 6 nhân viên của Văn phòng Nhân quyền LHQ. Nhóm vũ trang trước đó bắt hai nhân viên khác của cơ quan này vào tháng 11/2021 và tháng 8/2023, theo Văn phòng Nhân quyền LHQ.
Vài ngày sau chiến dịch trên, lực lượng Houthi thông báo đã bắt các thành viên của "mạng lưới gián điệp Mỹ - Israel". Nhóm vũ trang cũng công bố các video ghi lại "lời thú tội" của 10 người Yemen, trong đó một số người nói họ được đại sứ quán Mỹ ở Yemen tuyển dụng.
Văn phòng Nhân quyền LHQ cho biết một nhân viên của họ đã xuất hiện trong video và người này đã bị ép phải thừa nhận các cáo buộc nhằm vào bản thân, bao gồm tội gián điệp.
Năm 2014, nội chiến bùng phát tại Yemen giữa lực lượng Houthi và chính phủ được quốc tế công nhận, khi nhóm vũ trang chiếm thủ đô Sanaa và hầu hết các khu vực ở phía bắc nước này. Cuộc chiến đã khiến hơn 150.000 người thiệt mạng, bao gồm cả các tay súng và dân thường, tạo ra một trong các cuộc khủng hoảng nhân đạo tồi tệ nhất thế giới.
Lực lượng Houthi đã bắt hàng nghìn người trong cuộc xung đột. Nhóm vũ trang những tháng gần đây đẩy mạnh chiến dịch trấn áp những người bất đồng chính kiến ở trong nước và gần đây tuyên án tử hình với 44 người.
Phạm Giang (Theo AP)