Chứng khoản mở cửa phiên đầu tuần này (12/4) trong trạng thái thận trọng, nối tiếp hai phiên giảm cuối tuần trước. VN-Index giữ sắc xanh sau ATO nhưng bị ép về sát tham chiếu ngay sau đó. Phải tới giữa phiên sáng, xu hướng thị trường mới được xác định. Dòng tiền vào nhanh và đẩy giá quyết liệt giúp bên mua chiếm ưu thế. VN-Index nới rộng đà tăng lên ngưỡng hai con số trước giờ nghỉ trưa.
Sang phiên chiều, nếu theo thông thường với thanh khoản vượt 14.000 tỷ đồng, tình trạng nghẽn trên HoSE sẽ xảy ra. Tuy nhiên, giao dịch phiên chiều hôm nay bất ngờ thông suốt, khiến tâm lý thị trường trở nên tích cực hơn. Giữa phiên chiều, VN-Index tăng vọt hơn 20 điểm nhờ nhịp tăng của VIC. Tình trạng giao dịch khó khăn chỉ xảy ra khi thanh khoản tiến gần ngưỡng 20.000 tỷ đồng.
Chốt phiên hôm nay, VN-Index tăng gần 21 điểm (1,69%) lên 1.252,45 điểm. VN30-Index tăng gần 2% lên 1.278 điểm. Trên sàn Hà Nội, HNX-Index và UPCOM-Index cùng vượt trên tham chiếu.
Sắc xanh chiếm áp đảo vào cuối phiên hôm nay với hơn 300 mã tăng trên HoSE, 48 mã đứng tham chiếu và 134 mã giảm. Riêng nhóm VN30, 20/30 mã tăng giá.
VIC và NVL là hai mã tích cực nhất nhóm vốn hóa lớn khi chốt phiên cao hơn gần 6%. VPB, HPG, SSI, POW, STB tăng hơn 3%, VHM có thêm 2,7%. Ngược lại, TCH là mã giảm mạnh nhất, mất 1,9%, GAS giảm 1%,
Thanh khoản hai sàn niêm yết đạt hơn 24.700 tỷ đồng, trong đó riêng HoSE giao dịch hơn 21.500 tỷ. Khối ngoại trở lại trạng thái bán ròng với quy mô hơn 200 tỷ đồng trên HoSE.
Nguồn tin từ HoSE cho biết, Sở đã có thêm một số giải pháp cải tiến về mặt kỹ thuật, giúp hệ thống giao dịch cải thiện về năng lực xử lý lệnh. Nhờ đó trong phiên hôm nay (12/4), tình trạng nghẽn lệnh giao dịch phần nào được giảm tải, hỗ trợ thị trường tăng thanh khoản.
"Giải pháp phối hợp xây hệ thống với FPT vẫn được triển khai đồng thời và đúng tiến độ. Kỳ vọng khi giải pháp này vận hành chính thức, tình trạng nghẽn lệnh sẽ được khắc phục hoàn toàn", thông tin từ HOSE cho hay.
Hệ thống giao dịch của HoSE có công suất tối đa 900.000 lệnh mỗi phiên, hoạt động theo cơ chế phân bổ đều cho các công ty chứng khoán. Trong đó, hệ thống tự động dành 20% cho lệnh dự phòng, 80% còn lại chia cho thành viên thị trường. Ban đầu, hệ thống chia đều mỗi công ty khoảng 3.000 lệnh (các công ty chứng khoán đều được chia như nhau, kể cả công ty đã dừng hoạt động). Sau đó, dung lượng lệnh sẽ được chia theo tỷ trọng lấy số lệnh vào hệ thống bình quân từ 30 ngày gần nhất.
Do "ngưỡng chịu đựng" của HoSE được tính toán dựa trên số lượng lệnh vào hệ thống, điều này dẫn tới hai khả năng, hoặc do quy mô mỗi lệnh giao dịch tăng lên, các công ty hạn chế robot giao dịch lệnh nhỏ, hoặc do khắc phục kỹ thuật tạm thời giúp tăng khả năng chịu tải của hệ thống. Nếu trạng thái này tiếp tục được duy trì, với "ngưỡng chịu đựng" mới tăng lên gần 20.000 tỷ đồng, tâm lý nhà đầu tư sẽ được cải thiện. Nhiều công ty chứng khoán cũng đánh giá, việc khắc phục tình trạng nghẽn lệnh là một trong những điểm tích cực hỗ trợ thị trường.
Minh Sơn