Vấn đề hợp pháp hóa mại dâm đang gây tranh cãi tại Việt Nam. Theo dõi các cuộc tranh luận này tôi nhận ra nhiều ngộ nhận của những người ủng hộ hợp pháp hóa mại dâm. Tôi xin được nêu một vài quan điểm thường gặp sau.
Tình dục là nhu cầu của con người nên phải cho phép mại dâm
Cứ theo quan điểm này thì tôi thiếu tiền, tôi có nhu cầu vay tiền, hoàn toàn tự nguyện thì tại sao lại cấm “nghề” cho vay nặng lãi. Tôi thất tình, tôi gặp áp lực nên tôi có nhu cầu giải tỏa, tôi vào bar xài vài viên thuốc lắc chứ có làm hại ai đâu mà lại phạm pháp? Rõ ràng là tình dục hay các nhu cầu trên đều có nhiều cách để thỏa mãn. Do đó việc cấm những cách có khả năng gây hại cho xã hội là cần thiết.
Mại dâm có từ lâu đời và không thể dẹp bỏ được nên cần hợp pháp
Đây là một sự ngụy biện vì mại dâm không phải là nghề duy nhất “có từ lâu đời và không thể dẹp bỏ được”. Bảo kê, cho vay nặng lãi, buôn bán ma túy thì sao? Rõ ràng là không ai muốn hợp pháp hóa những “nghề” này chỉ vì “có từ lâu đời và không thể dẹp bỏ được” cả.
Thường đi kèm với ngụy biện trên là “hợp pháp mại dâm để dễ quản lý”. Đây là sự ngộ nhận của những người ủng hộ mại dâm. Trên thực tế trong 15 nước đang hợp pháp hóa mại dâm chưa có nước nào tuyên bố là “dễ quản lý” sau khi hợp pháp hóa mại dâm mà là ngược lại.
Như Na Uy, Thụy Điển sau một thời gian hợp pháp mại dâm thì cảm thấy không thể kiểm soát được và phải rút lại. Gần đây các nước này còn ra quy định nghiêm khắc hơn như bỏ tù người mua dâm, công khai danh tính người mua dâm.
Hay như Đức, quốc gia từng được gọi là “nhà thổ của châu Âu”, sau hơn 10 năm hợp pháp hóa mại dâm cũng phải thừa nhận rằng các mục tiêu ban đầu mà họ dự định như để dễ dàng quản lý, ngăn chặn nạn lạm dụng tình dục, bảo vệ quyền lợi cho người phụ nữ … đều đã thất bại. Có chưa đến 10% người làm nghề mại dâm ở Đức có đăng ký và nước Đức còn được "khuyến mãi" thêm nạn buôn người.
Theo các phong trào đòi hủy bỏ Luật kinh doanh mại dâm ở Đức, cái gọi là hợp pháp hóa mại dâm thực chất chỉ bảo vệ những tên ma cô. Nếu như trước đây cảnh sát có thể thực hiện các cuộc đột kích để vây bắt các cơ sở mại dâm thì giờ đây họ chỉ có thể đứng nhìn vì chúng là “hợp pháp”. Và ai biết được điều gì xảy ra sau những bức tường đó nữa?
Vậy cơ sở nào để tin rằng Việt Nam sẽ quản lý được khi các nước trên cũng thất bại?
(Xem thêm: 'Con nghiện sex' sẽ tăng nếu hợp pháp mại dâm)
Hãy xem một quốc gia khác có trình độ quản lý tương đương Việt Nam là Thái Lan. Chính phủ Thái Lan cũng đang “bất lực” với nạn mại dâm.
Việc quan tâm giúp đỡ hay tư vấn, hướng dẫn cho gái mại dâm được thực hiện bởi các nhóm xã hội. Còn kinh doanh, quản lý các cô gái thì đã có xã hội đen Thái, Mafia Nga, Yakuza Nhật và thậm chí là Tam Hoàng của Trung Quốc lo.
Các thế lực này lũng đoạn hệ thống pháp luật của Thái Lan đến nỗi một quốc gia có tới 3 luật về chống mại dâm nhưng lại khiến rất nhiều người nghĩ rằng họ “hợp pháp” mại dâm. Bọn chúng làm điều đó bằng cách hối lộ từ cảnh sát địa phương cho đến các quan chức cấp cao.
Như mới đây cựu cảnh sát trưởng Thái Lan (người đứng đầu lực lượng cảnh sát) Somyot Pumpanmuang đã thừa nhận ông ta có “mượn” từ một chủ chứa gần 10 triệu USD. Kết quả của sự quản lý đó là Thái Lan thực tế có khoảng 500.000 người bán dâm chứ không phải là con số đã được Bộ Y tế Thái Lan làm đẹp là chỉ 120.000.
Nước này vinh dự là quốc gia có tỉ lệ người trưởng thành nhiễm HIV cao nhất châu Á, top 10 thế giới và theo một cuộc điều tra có khoảng 20% gái mại dâm Thái Lan nhiễm HIV. Thái Lan có tỷ lệ hiếp dâm cao nhất Đông Nam Á gấp 2 lần Philipines, 3 lần Singapore và gấp 5 lần Việt Nam. Thái Lan hiện cũng là trung tâm trung chuyển của các đường dây buôn người ở châu Á.
Những ví dụ trên để thấy rằng một xã hội sẽ trở nên thế nào khi không kiểm soát mại dâm. Chúng ta có thể thông cảm với khó khăn của những người bán dâm, có thể đồng cảm với câu chuyện của họ, có thể giúp đỡ họ nhưng xin đừng nhầm lẫn nó với việc chấp nhận mại dâm. Cho dù thực tế là chúng ta không thể ngăn cản triệt để thì ít nhất cũng phải giữ cho nó không phát triển. Nếu không đó sẽ là hậu họa khôn lường cho tương lai con em chúng ta.
Chia sẻ bài viết của bạn tại đây.