![Giáo sư Tomohito Shinoda trình bày tham luận tại hội thảo. Ảnh: Trọng Giáp](https://vcdn1-vnexpress.vnecdn.net/2015/10/19/hoi-thao-2-JPG-1293-1445243084.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=3uG5-DxZs3Na-bqvKOdRxg)
Giáo sư Tomohito Shinoda trình bày tham luận tại hội thảo. Ảnh: Trọng Giáp
"Quan hệ với Nhật Bản là một trong những quan hệ thực chất nhất, sâu nhất trong các mối quan hệ giữa Việt Nam với các nước trên thế giới", Đại sứ Đặng Đình Quý, Giám đốc Học viện Ngoại giao cho biết tại hội thảo "Mối liên hệ giữa con đường phát triển 70 năm sau chiến tranh của Nhật Bản và tiến trình hội nhập quốc tế của Việt Nam" hôm qua diễn ra tại Hà Nội.
Tại hội thảo, nhiều học giả chỉ ra nhiều điểm chung, tương đồng giữa Nhật Bản và Việt Nam, cũng như lòng tin chính trị hiện ở mức cao giữa hai nước.
Tiến sĩ Đặng Cẩm Tú, Học viện Ngoại giao cho rằng hợp tác an ninh - quốc phòng là một trụ cột mới của quan hệ Đối tác Chiến lược sâu rộng vì hòa bình và phồn vinh ở châu Á giữa Việt Nam và Nhật Bản. "Đặc trưng của quan hệ Việt - Nhật giai đoạn mới là bước chuyển từ quan hệ chỉ giới hạn trong lĩnh vực ngoại giao và kinh tế - đầu tư sang hợp tác quốc phòng và an ninh", bà Tú cho biết.
Bước chuyển này bắt đầu từ năm 2011, khi hai nước mở văn phòng tuỳ viên quân sự và thiết lập cơ chế đối thoại chính sách quốc phòng. Điều này cũng được thể hiện rõ bằng thiện chí của Tokyo giúp đỡ Hà Nội nâng cao năng lực thực thi pháp luật trên biển, theo giáo sư Tomohito Shinoda, một học giả khác thuộc Đại học Quốc tế Nhật Bản.
Tháng 8/2014, Nhật tuyên bố kế hoạch sử dụng gói hỗ trợ phát triển cho nước ngoài để cấp 6 tàu tuần tra cho các cơ quan chấp pháp biển Việt Nam. Những tàu này được trang bị áo phao, radar, và chương trình huấn luyện. Tàu đầu tiên được chuyển giao cho cảnh sát biển Việt Nam vào tháng 2 và tàu thứ hai được chuyển giao cho Cục Kiểm ngư Việt Nam hồi tháng 8.
Tàu đổ bộ Kunisaki của Nhật đã cập cảng Tiên Sa, một phần trong chương trình hỗ trợ hải quân cho đối tác Thái Bình Dương của Mỹ. Lực lượng phòng vệ Nhật đã trao đổi thông tin với Việt Nam liên quan đến vấn đề dược phẩm quân đội như gói cứu trợ, khẩn cấp, chữa trị bỏng và bệnh tim.
Tuyên bố về tầm nhìn chung quan hệ Việt - Nhật được đưa ra trong chuyến công du Tokyo của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng hồi tháng 9 vừa qua cũng đã nhấn mạnh tăng cường hợp tác trong lĩnh vực an ninh, an toàn trên biển và đối phó với các vấn đề phi truyền thống.
Trước việc Trung Quốc bồi đắp trái phép đảo nhân tạo tại Biển Đông, giáo sư Yuichi Hosoya, Đại học Keio, cho rằng tư tưởng chống chủ nghĩa quân sự ở Nhật rất mạnh mẽ, nên nước này rất khó để trở thành một nước quân sự mạnh, nhưng điều chính phủ Nhật có thể làm là bày tỏ với cộng đồng quốc tế tầm quan trọng của luật quốc tế.
"Chúng ta có ràng buộc mạnh mẽ bằng các luật quốc tế, các quy định quốc tế, các thoả thuận quốc tế... Tôi nghĩ các bên có thể hợp tác cùng nhau và cùng với các nước khác để ngăn Trung Quốc mở rộng lãnh thổ", ông Hosoya nói.
Trọng Giáp