Tinh vân Nhẫn xanh lần đầu được phát hiện vào năm 2004 bởi kính thiên văn không gian đã ngừng hoạt động GALEX của NASA. Nó nằm cách Trái Đất 6.300 năm ánh sáng, trông giống một vòng nhẫn có màu xanh lam và chứa một ngôi sao ở trung tâm có tên là TYC 2597-735-1. Trong suốt 16 năm qua, nguồn gốc của cấu trúc đặc biệt này vẫn là một bí ẩn lớn.
"Mỗi khi chúng tôi nghĩ rằng đã tìm ra câu trả lời, lại có một thứ gì đó xuất hiện cho thấy có điều không đúng. Điều đó thật đáng sợ với tư cách là một nhà khoa học, nhưng sự độc đáo của vật thể này đã thôi thúc chúng tôi tìm hiểu nó", nhà vật lý thiên văn Mark Seibert tại Viện Khoa học Carnegie, một trong những tác giả chính của nghiên cứu, chia sẻ.
Sau những nỗ lực không ngừng, NASA hôm 18/11 cho biết họ cuối cùng đã có thể làm sáng tỏ nguồn gốc và cấu trúc của Tinh vân Nhẫn xanh.
Dựa trên các quan sát từ hệ thống kính thiên dưới mặt đất và ngoài không gian, nhóm nghiên cứu nhận thấy cấu trúc giống như vòng nhẫn này thực chất là hai đám mây hình nón chứa hydro phân tử phát sáng, mở rộng từ ngôi sao trung tâm về hai phía.
Bản thân tinh vân cũng không thực sự có màu xanh như chúng ta lầm tưởng về tên gọi của nó. Theo bài đăng trên tạp chí Nature, các đám mây hình nón và ngôi sao trung tâm là kết quả của một sự kiện hợp nhất sao nhị phân diễn ra cách đây hàng nghìn năm. Trong đó, ngôi sao lớn hơn (giống Mặt Trời) đã va chạm với ngôi sao đồng hành nhỏ hơn và hấp thụ nó.
Vụ va chạm đã tạo ra sóng xung kích làm nóng đám mây khí và mảnh vụn xung quanh, khiến nó phát sáng dưới ánh sáng cực tím. Do chúng ta không thể nhìn thấy ánh sáng cực tím, màu xanh lam đã được sử dụng để mô tả vòng nhẫn trong các bức hình được chụp bởi tàu GALEX.
Mặc dù các sự kiện va chạm sao diễn ra khá phổ biến trong dải Ngân Hà, khám phá này mới là lần đầu tiên các nhà thiên văn học quan sát thấy một hệ thống hợp nhất có cấu trúc như vậy. Nhóm nghiên cứu dự đoán trong vài nghìn năm nữa, Tinh vân Nhẫn xanh có thể sẽ biến mất như thể nó chưa từng hiện diện ở đó.
Đoàn Dương (Theo Space/CNN)