Phát biểu tại hội thảo tổ chức sáng 14/3, Trung tướng Lê Quốc Hùng cho rằng việc hợp nhất lực lượng tham gia bảo vệ trật tự an ninh cơ sở cũng không làm phình tổ chức, nên không đè nặng lên ngân sách Trung ương và ngân sách địa phương.
"Đây là lực lượng có từ khi thành lập nước, từ khi có lực lượng công an nhân dân, hoạt động với nhiều tên gọi, vai trò khác nhau, và bây giờ được đề xuất luật hóa", Thứ trưởng Công an nói.
Đại tá Đỗ Khắc Hưởng, Phó Cục trưởng Cục Pháp chế và cải cách hành chính, tư pháp (Bộ Công an), cho biết lực lượng bảo vệ an ninh trật tự cơ sở là lực lượng quần chúng tự nguyện, làm nòng cốt trong mô hình tự quản bảo vệ an ninh, trật tự tại địa bàn xã, phường, thị trấn. Đây là lực lượng có chức năng hỗ trợ công an xã chính quy thực hiện nhiệm vụ bảo vệ an ninh, trật tự cơ sở, phòng cháy chữa cháy, cứu nạn cứu hộ; xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh tổ quốc.
Dự án luật do Bộ Công an xây dựng mong muốn sáp nhập công an xã bán chuyên trách kết thúc nhiệm vụ, bảo vệ dân phố và đội trưởng, đội phó đội dân phòng thành lực lượng thống nhất. Hiện nay, lực lượng tham gia bảo vệ an ninh trật tự ở cơ sở khá phong phú, trong đó có hai nhóm.
Thứ nhất, các lực lượng đã được quy định trong các văn bản quy phạm pháp luật và do Nhà nước thành lập, bảo đảm hoạt động gồm công an xã bán chuyên trách, bảo vệ dân phố, dân phòng, dân quân tự vệ, bảo vệ cơ quan, doanh nghiệp.
Thứ hai, mô hình quần chúng tham gia bảo vệ an ninh trật tự ở cơ sở chưa được quy định trong các văn bản quy phạm pháp luật, không do Nhà nước bảo đảm thực hiện (với hàng trăm mô hình như câu lạc bộ hiệp sĩ đường phố, câu lạc bộ phòng chống tội phạm).
Trong số 5 lực lượng được pháp luật quy định, Nhà nước thành lập, bảo đảm thì Dân quân tự vệ đã được Luật Dân quân tự vệ quy định là lực lượng vũ trang quần chúng. Bảo vệ cơ quan, doanh nghiệp do các cơ quan, doanh nghiệp bảo đảm hoạt động. Dự thảo Luật Lực lượng bảo đảm an ninh trật tự cơ sở chỉ quy định thống nhất ba lực lượng là công an xã bán chuyên trách, bảo vệ dân phố và đội trưởng, đội phó Dân phòng.
"Sở dĩ không nhập cả lực lượng dân phòng vì phòng cháy chữa cháy cần có lực lượng đông đảo của quần chúng. Hiện nay, Luật Phòng cháy chữa cháy quy định mỗi thôn, làng, ấp, bản có đội Dân phòng từ 10 đến 30 người. Nếu nhập cả thì chi ngân sách sẽ tăng", đại tá Hưởng giải thích.
Lãnh đạo Cục Pháp chế cũng thông tin, theo dự án luật, lực lượng bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở được thành lập, tổ chức thành tổ bảo vệ an ninh trật tự ở thôn, làng, ấp bản, có tổ trưởng, tổ phó và tổ viên. Số lượng cụ thể do chính quyền địa phương quyết định. Kế thừa quy định của pháp luật hiện hành, lực lượng này sẽ được hỗ trợ thường xuyên, hàng tháng, được hưởng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế theo quyết định của HĐND tỉnh. Khung mức hỗ trợ do Chính phủ quyết định.
Bí Thư tỉnh ủy Thái Nguyên Nguyễn Thanh Hải đánh giá, từ khi công an chính quy về xã đã đóng góp rất lớn cho việc đảm bảo an ninh trật tự cơ sở. Tuy nhiên, được đào tạo bài bản và có nghiệp vụ tốt nhưng công an chính quy lại gặp khó như không nói được tiếng của đồng bào, không nắm được hết các mối quan hệ "dây mơ, rễ má" ở các thôn, bản. Khía cạnh này lại được lực lượng đảm bảo an ninh, trật tự cơ sở thực hiện rất nhuần nhuyễn. Vì vậy, rất cần thiết phải có Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh trật tự cơ sở.
Theo Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội Thái Nguyên, liên quan đến chế độ chính sách, kỳ Quốc hội trước, khi thảo luận về dự thảo luật, rất nhiều đại biểu băn khoăn nếu có lực lượng này thì ngân sách Nhà nước sẽ phải thêm bao nhiêu và có tương xứng với lợi ích mang lại hay không?
Bà đề nghị trong báo cáo gửi đến Quốc hội, Bộ Công an cần nhấn mạnh thêm vấn đề đảm bảo ngân sách, đặc biệt là sự tham gia của các địa phương cùng với Trung ương.
"Ví dụ, Thái Nguyên thấy lực lượng này rất cần thiết thì chúng tôi sẽ lấy ngân sách theo quy định của pháp luật để có thể bù đắp thêm. Cần nêu cao tinh thần của các địa phương", bà Hải đề xuất, nhấn mạnh việc đầu tư ngân sách là tương xứng với hiệu quả, và bỏ ra một khoản nhưng đổi lại được hiệu quả đảm bảo an ninh chính trị xã hội.
Dự án Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự cơ sở được Chính phủ trình Quốc hội lần đầu tại kỳ họp 10, Quốc hội khóa XIV (tháng 10/2020). Do còn nhiều ý kiến khác nhau, Quốc hội đã tổ chức biểu quyết, sau đó Thường vụ Quốc hội chuyển về dự thảo Luật Chính phủ để cơ quan soạn thảo tiếp tục tiếp thu, nghiên cứu, hoàn chỉnh.