Đây là một trong số phương án cơ cấu lại Tổng công ty Đường sắt Việt Nam được Phó thủ tướng Lê Minh Khái phê duyệt ngày 8/4.
Tổng công ty Đường sắt Việt Nam gồm 35 công ty con - liên kết (gồm công ty Vận tải đường sắt Hà Nội và Vận tải đường sắt Sài Gòn), hoạt động trong lĩnh vực quản lý, khai thác và sửa chữa hệ thống kết cấu hạ tầng đường sắt, vận tải hành khách và sản xuất đầu máy, toa xe.
Ngoài hợp nhất hai công ty vận tải đường sắt nêu trên, các chi nhánh Xí nghiệp đầu máy cũng được thu gọn, từ 5 xuống còn 3 chi nhánh.
Cùng đó, hoạt động, tài sản và con người tại ba Ban quản lý dự án đường sắt khu vực 1, 2 và 3 sẽ được chuyển nguyên trạng về một Ban quản lý dự án đường sắt. Việc này nhằm tạo điều kiện tốt nhất về quy mô, kinh nghiệm... để thực hiện chức năng đại diện chủ đầu tư quản lý các dự án đường sắt do Tổng công ty Đường sắt Việt Nam làm chủ đầu tư. Như vậy, hai Ban Quản lý dự án đường sắt còn lại sẽ chấm dứt hoạt động.
Phó thủ tướng lưu ý, việc cơ cấu lại doanh nghiệp tại Tổng công ty Đường sắt Việt Nam "không được để thất thoát tài sản Nhà nước". Uỷ ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp chỉ đạo Tổng công ty Đường sắt hoàn thiện đề án cơ cấu giai đoạn 2021-2025, trình Thủ tướng xem xét, quyết định.
Kết quả kinh doanh năm 2021 của Tổng công ty Đường sắt Việt Nam giảm sút nghiêm trọng do ảnh hưởng của Covid-19. Doanh thu hợp nhất gần 6.654 tỷ đồng, nhưng lợi nhuận sau thuế âm hơn 677 tỷ đồng.
Riêng công ty mẹ - Tổng công ty Đường sắt Việt Nam - ghi nhận doanh thu năm ngoái gần 1.447 tỷ đồng, chỉ đạt hơn 90% kế hoạch. Lợi nhuận trước thuế âm gần 691 tỷ đồng.
Còn Công ty Vận tải đường sắt Hà Nội và Vận tải đường sắt Sài Gòn hai năm gần đây cũng ghi nhận mức lợi nhuận âm. Với Công ty Vận tải đường sắt Hà Nội, năm 2020 âm hơn 196 tỷ đồng và năm 2021 âm gần 122 tỷ. Tuy vậy, năm ngoái doanh nghiệp này giảm lỗ gần 74,5 tỷ đồng so với năm 2020.
Tương tự, năm ngoái Công ty Vận tải đường sắt Sài Gòn ghi nhận mức lỗ gần 139 tỷ đồng. Doanh thu thuần xấp xỉ 893,6 tỷ đồng, giảm hơn 358 tỷ đồng so với 2020.
Dịch Covid-19 kéo dài nhiều tháng ở TP HCM khiến doanh nghiệp này phải giảm nhiều đoàn tàu trong 3 tháng. Việc dừng chạy tàu ảnh hưởng lớn tới sản xuất kinh doanh, khiến các chỉ tiêu sản lượng, doanh thu hành khách, hàng hoá... không đạt và giảm so với cùng kỳ. Trong khi đó, doanh nghiệp ghi nhận chi phí phát sinh phòng, chống dịch, vệ sinh toa xe, nhà ga... Nhưng nhờ giảm lương, bố trí lao động làm việc luân phiên, giảm hệ số lương người lao động và các chi phí khác để giảm lỗ... Lợi nhuận sau thuế năm 2021 của doanh nghiệp này lỗ ít hơn 2020 là 78 tỷ đồng.
Năm 2022, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam chuyển trọng tâm sang vận tải hàng hóa, với dự kiến lợi nhuận công ty mẹ trước thuế là 580 tỷ đồng, giảm lỗ hơn 100 tỷ so với 2021.