Tháng 11/2016, Nguyễn Quang Huy (36 tuổi) thuê căn hộ chung cư ở đường Lê Văn Thiêm (Hà Nội) từ chị Hằng với giá 12 triệu đồng mỗi tháng. Theo yêu cầu của Huy, chị Hằng đưa một bản photocopy hợp đồng mua bán căn hộ. Từ đây, Huy lấy thông tin để làm giả hồ sơ gồm: hợp đồng mua bán căn hộ, biên bản bàn giao, đơn đề nghị xác nhận chủ sở hữu, phiếu thu tiền... với tên chủ sở hữu là anh ta.
Với giấy tờ giả, Huy thế chấp căn hộ cho ông Hoàng Kim Đồng với giá hai tỷ đồng trong hai tháng. Huy lập hợp đồng chuyển nhượng cho ông Đồng, có công chứng. Theo thỏa thuận, nếu trả xong tiền, văn bản này sẽ được hủy.
Tháng 2/2017, không có tiền để trả ông Đồng, Huy xin khất nợ. Thấy khả năng khó đòi được tiền, ông Đồng yêu cầu Huy làm thủ tục sang tên căn hộ cho mình thì phát hiện toàn bộ giấy tờ là giả.
Nhà chức trách vào cuộc và xác định với thủ đoạn trên, Huy đã chiếm đoạt tiền của bốn người khác với tổng số tiền 16 tỷ đồng, trong đó có anh Nguyễn Bảo Quang. Thuê căn hộ tại tòa nhà Hei Tower (quận Thanh Xuân) từ cuối năm 2015 với giá 8,5 triệu đồng mỗi tháng, Huy làm giả hồ sơ rồi chào bán cho anh Quang ở mức 1,5 tỷ đồng.
Ngày 25/10/2016, tại văn phòng công chứng Vạn Xuân, công chứng viên đã kiểm tra hồ sơ nhưng không phát hiện giấy tờ giả nên soạn văn bản chuyển nhượng giữa hai bên.
Mua xong, anh Quang vẫn cho Huy ở nhờ mà chưa làm thủ tục chuyển chủ sở hữu sang tên mình. Khi được công an mời làm việc về các vụ lừa đảo trước của Huy, anh Quang mới biết mình cũng bị lừa.
TAND Hà Nội trong phiên sơ thẩm mở tháng 4 đã tuyên phạt Huy 23 năm tù về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản và Làm giả tài liệu, con dấu của cơ quan, tổ chức. Tại tòa, năm bị hại đều yêu cầu các văn phòng công chứng bồi thường tiền bị lừa mua nhà.
Yêu cầu này được tòa nhận định là chính đáng. Tại 4 văn phòng, các công chứng viên đã không nhận thức được các hợp đồng mua bán căn hộ chung cư do Huy đứng tên là hợp đồng giả. Riêng với trường hợp văn phòng công chứng Vạn Xuân, công chứng viên Trần Văn Dùng đã thực hiện sai quy trình, không trực tiếp công chứng hợp đồng mua bán căn hộ tại văn phòng mà để nhân viên khác đến căn hộ chung cư để công chứng.
Nhận định hành vi này là vi phạm Luật Công chứng, bản án tuyên buộc Văn phòng Vạn Xuân liên đới 500 triệu đồng trong 1,5 tỷ đồng Huy phải bồi thường cho anh Quang. Sau đó, Huy có trách nhiệm trả tiền cho văn phòng công chứng vì anh ta hưởng toàn bộ tiền bán căn hộ.
Theo một chuyên viên tư vấn chuyển nhượng nhà đất, tính pháp lý của bất động sản là một trong những yếu tố quan trọng nhất quyết định việc giao dịch. Tuy nhiên, nhiều người mua nhà chưa nâng cao cảnh giác nên phải nhận rủi ro, trong đó có việc bị lừa tiền. Người mua cần chú ý những điều sau để hạn chế rủi ro.
Thứ nhất, kiểm tra hồ sơ, giấy tờ cần cẩn thận, kỹ lưỡng xem độ cũ, mới của giấy tờ; những vết tích tẩy, xóa; lỗi chữ, chữ ký, con dấu...
Nhiều người cầm hồ sơ thường ngại đọc kỹ vì cho rằng thông tin mang tính chuyên ngành, khó hiểu. Song hồ sơ chính là căn cứ đầu tiên, quan trọng thể hiện ngôi nhà có đảm bảo tính hợp pháp không.
Nếu thấy dấu hiệu khả nghi, người mua cần cảnh giác và nhờ những người có chuyên môn kiểm tra kỹ; thậm chí có thể nhờ tới cơ quan giám định.
Thứ hai, người mua không nên nóng vội mà cần dành thời gian để tìm hiểu về bên bán. Việc tìm hiểu này có thể thông qua ngay hồ sơ ban đầu. Người mua có thể vờ hỏi những thông tin về nhân thân, chi tiết liên quan đến căn hộ, dự án. Nếu người bán tỏ ra không tự nhiên, nói không rõ ràng thì càng cần hỏi kỹ, nâng cao cảnh giác.
Thứ ba, khi thấy nhiều dấu hiệu nghi vấn về tính pháp lý, người mua cần tới tận cơ quan cấp sổ hồng, sổ đỏ để xác minh về những giấy tờ đó.
Bảo Hà