Năm 2005, ở tuổi 35, chị Lộc từ Quỳnh Lưu, Nghệ An theo em gái lên Hà Nội kiếm việc làm. Sau nhiều tháng làm thuê cho các quán cơm quanh khu vực Đại học Bách khoa, chị nhận ra, tiền công được trả cho 15 giờ phục vụ bàn, rửa bát thuê mỗi ngày không cao hơn cấy lúa. Được đồng hương giới thiệu, chị Lộc chuyển nghề, làm giúp việc gia đình, ăn ở cùng gia chủ.
Chủ nhà đầu tiên là cặp vợ chồng công chức và hai con. Hằng ngày, chị dậy từ 5h sáng, đi chợ, nấu ăn sáng cho cả nhà, sau đó đưa bé lớn đi học, quay về thay tã, nấu sữa, cho bé thứ hai. Tranh thủ lúc bé ngủ, chị lau dọn 5 tầng nhà, nấu cơm trưa, cơm tối... Thoả thuận công việc đều bằng miệng, chị Lộc không biết được trả bao nhiêu tiền cho đến cuối tháng khi chủ nhà đưa số tiền chưa bằng một chỉ vàng. Chị thấy ít, nhưng không dám yêu cầu thêm.
"Họ trả bao nhiêu thì nhận bấy nhiêu, có việc là mừng", chị Lộc tự nhủ phải chăm chỉ làm việc để có việc làm lâu dài, làm việc trong tâm thế "có thể bị đuổi việc bất cứ khi nào".
Năm đầu tiên, chị được cho nghỉ duy nhất 5 ngày Tết để về quê. Khi em trai có sự cố ở quê, Lộc cuống cuồng gói ghém hành lý, xin chủ nhà về, nhưng chỉ nhận lại cái lắc đầu: "Chị về bây giờ thì không cần quay lại nữa, tôi sẽ kiếm người khác nhiệt tình trách nhiệm hơn".
Những lần "đổi chủ" sau này, chị Lộc không còn nhớ hết nguyên nhân, nhưng nhớ rõ, ít khi họ trả cho chị số tiền lương còn thiếu. "Mình không có ràng buộc pháp lý gì với họ ngay từ đầu nên đương nhiên chịu thiệt", chị nói.
Năm 2017, thông qua các hoạt động của Trung tâm Nghiên cứu Giới, Gia đình và Phát triển Cộng đồng (GFCD), chị Lộc lần đầu nhận thức được "giúp việc cũng là một nghề chính đáng, được quy định và bảo vệ bởi pháp luật". Chị Lộc chủ động yêu cầu ký kết hợp đồng lao động, sau 7 năm làm việc bằng thoả thuận miệng. Việc này khiến chủ nhà chị rất ngạc nhiên, song lập tức đồng ý.
Được tạo điều kiện nghỉ ngơi và tham gi hoạt động học tập, chị Lộc kết nối với những đồng nghiệp khác, đi từng nhà vận động giúp việc và các chủ nhà ký hợp đồng lao động để đảm bảo quyền lợi hai bên. Kết quả tới khá chậm, song chị lạc quan rằng câu chuyện thực tế của mình sẽ giúp cả chủ nhà và người lao động thay đổi.
Tết năm nay, như người lao động ở nhiều ngành nghề khác, chị Lộc sẽ được về quê từ 28 tháng Chạp, bắt đầu kỳ nghỉ 7 ngày, mang 2 tháng lương tiền thưởng. Nhưng điều quan trọng nhất, khi trở lại Hà Nội, chị biết, mình sẽ không bị đuổi việc. Điều mà các chủ nhà trước đây có thể làm bất cứ lúc nào, vì không có ràng buộc pháp lý.
Tuy nhiên, có những người giúp việc từ chối ký hợp đồng. Những ngày cận Tết, chị Vũ Thị Ngọc Châm, 32 tuổi, ngụ phường Trung Hoà, Cầu Giấy, Hà Nội không ngơi tay với công việc kinh doanh, vẫn phải cuống cuồng đăng thông tin tìm người giúp việc gia đình. Đây là lần thứ ba trong năm chị làm việc này, những người trước người giúp việc đều "đột xuất nghỉ", không báo trước.
Họ đa số là những phụ nữ ngoài 50 tuổi, được người quen, bạn bè chị Châm giới thiệu. Sau khi thoả thuận về công việc và mức lương, chị đều yêu cầu lập hợp đồng lao động văn bản, "chủ yếu để họ cảm thấy có ràng buộc pháp lý và làm việc, nghỉ việc cũng có trách nhiệm hơn". Song những người này đều từ chối vì e ngại thủ tục, giấy tờ phức tạp, "không thích liên quan đến luật pháp".
Từ hôm nay, khi Nghị định 145/2020/NĐ-CP hướng dẫn thi thành một số điều của Bộ Luật Lao động về điều kiện lao động và quan hệ lao động có hiệu lực, việc ký hợp đồng lao động giữ chủ nhà và người giúp việc là bắt buộc với hai bên.
Chủ nhà còn phải cung cấp thông tin trung thực cho người giúp việc về công việc, địa điểm, thời gian, hình thức trả lương, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, quy định về bảo vệ bí mật kinh doanh, bảo vệ bí mật công nghệ và vấn đề khác liên quan trực tiếp đến việc giao kết hợp đồng lao động mà người giúp việc yêu cầu.
Thanh Vân