Hôm nào trời nóng quá, bạn tôi xách mấy xô nước tạt lên tường khiến từng mảng vữa bong ra. Bức vách loang lổ vết cũ mới. Chủ nhật, dãy trọ càng ngột ngạt. Hai phòng vệ sinh chung kiêm chỗ tắm giặt luôn quá tải. Để không phải chờ đợi, có người đặt báo thức dậy từ 4h.
Ngoài giá thuê rẻ, lý do giữ chúng tôi ở lại đây là bà chủ trọ tốt bụng, sẵn sàng cho nợ tiền phòng nếu người thuê chưa đến kỳ lương. Mỗi lần cống tắc, trần dột, bà sốt sắng gọi thợ sửa ngay. Biết nhà đã cũ nên mỗi lần thu tiền bà đều kèm lời hứa "mai kia sửa sang đàng hoàng".
10 năm qua, chúng tôi mấy lần chuyển chỗ ở, dãy trọ cũ cũng đón nhiều người mới nhưng lời hứa "mai kia" của bà vẫn còn nguyên..
Bám trụ lại thành phố, người lao động nào cũng mong có chỗ ở đàng hoàng nhưng khả năng tiếp cận nhà ở xã hội với họ gần như bằng không. Nhà ở xã hội, giá 1-1,6 tỷ đồng, là mức vẫn rất cao và số lượng lại rất ít. Theo tính toán của Sở Xây dựng TP HCM, trung bình cứ 5 năm, thành phố đón thêm một triệu người lao động mới. Nhưng sau 15 năm, chỉ có 31 dự án nhà ở xã hội được đưa vào sử dụng, tương ứng 18.800 căn hộ và 16 nhà lưu trú công nhân với khoảng 21.400 chỗ ở tại 11 khu công nghiệp, khu chế xuất.
Vậy ai là người cung cấp phần lớn chỗ ở cho người nhập cư? Một khảo sát về nhu cầu nhà ở do Liên đoàn lao động TP HCM thực hiện cuối năm 2020 chỉ ra rằng 90% công nhân ngoại tỉnh đang sống trong các khu nhà trọ do người dân tự đầu tư, tương đương 1,3 triệu người với khoảng 551.000 phòng trọ.
Chủ nhà trọ là nhóm đang giữ vai trò chính trong việc giải quyết chỗ ở cho lao động nhập cư của thành phố. Việc này được thực hiện dưới hình thức kinh doanh nhỏ lẻ, mạnh ai nấy làm. Các hộ xây nhà cho thuê hầu như không nhận được sự hỗ trợ đáng kể nào từ phía nhà nước; và do đó, cũng không bị buộc phải có các cam kết đặc biệt trong hoạt động cung cấp dịch vụ của mình. Vì vậy, có những người thuê trọ như chúng tôi, gặp được bà chủ tử tế, nhưng cũng có những người luôn sống trong mối đe dọa "mất chỗ ngả lưng" vì bị chủ trọ dồn ép.
Năm 2011, thành phố đưa ra chương trình cho hộ gia đình, cá nhân vay vốn xây mới hoặc sửa chữa nhà trọ để công nhân thuê. Tuy nhiên, theo Quỹ Phát triển nhà ở TP HCM, sau 10 năm, rất ít chủ trọ tiếp cận được nguồn vốn này vì không thể đáp ứng tiêu chí xét duyệt.
Bà chủ trọ của tôi nhiều lần thanh minh rất muốn làm mới hai dãy trọ nhưng "chịu chết". Theo hướng dẫn về xây dựng phòng ở, nhà cho thuê do Sở Xây dựng TP HCM ban hành, diện tích phòng trọ không được nhỏ hơn 10 m2, diện tích sử dụng bình quân đầu người phải trên 5 m2, rộng tối thiểu 2,4 m, cao từ 2,7 m... Ngoài ra, còn có các tiêu chí khác đối với ánh sáng, nguồn nước, trang bị vật liệu chống cháy... Đây đều là những yêu cầu cần thiết nhằm đảm bảo an toàn cho người ở trọ. Nhưng vấn đề bất cập là nhiều trong số các yêu cầu này "xa lạ" với thực tế của các khu nhà cho thuê hiện tại, khiến chủ trọ đối diện với bài toán không thể giải nổi, hoặc họ đơn giản là không muốn giải.
Ví dụ, để đảm bảo đúng chuẩn, bà chủ trọ của tôi phải đập bỏ toàn bộ phòng cũ rồi xây mới. Muốn vậy bà phải vay. Theo quy định hỗ trợ đối với cho vay để sửa chữa, nâng cấp nhà trọ công nhân: tối đa 70% giá trị hợp đồng thi công giữa chủ đầu tư với đơn vị thi công có tư cách pháp nhân, nhưng không quá 1,5 tỷ đồng. 1,5 tỷ là không thấm tháp vào đâu. Vả lại bà tính, giá các loại phòng đúng chuẩn sau đó sẽ tăng lên 2-3 lần, vượt khả năng chi trả, người lao động sẽ bỏ đi hết. Ở tuổi 50, bà chẳng muốn gánh áp lực trả lãi hàng tháng. Trong khi để thế, vẫn nhiều người thuê.
Nhưng đầu năm nay, bà lại nhấp nhổm muốn "sửa sang các phòng cho đàng hoàng", khi nghe tin chính quyền TP HCM dự kiến triển khai gói hỗ trợ 100 tỷ đồng giúp chủ trọ sửa chữa, nâng cấp nhà trọ. Sau khi tìm hiểu về tiêu chí, bà lại lắc đầu vì khó đáp ứng yêu cầu về diện tích, hệ thống điện nước, mật độ xây dựng, cây xanh...
Muốn tạo chỗ ở đàng hoàng cho người lao động, không chỉ cần nhiều hơn gói 100 tỷ đồng mà còn cần xem xét lại hệ thống tiêu chí đi kèm, cùng với việc đơn giản hóa thủ tục vay để các chủ trọ dễ tiếp cận. Chụm đầu với các chủ trọ, thể hiện rõ quyết tâm cùng họ giải bài toán về số lượng và chất lượng nhà ở cho người lao động, theo tôi là cách tiếp cận phù hợp hơn việc chỉ "treo" một gói tiền và đặt ra các điều kiện bất khả thi với người thụ hưởng.
Ở phía ngược lại, ngoài tiêu chí, những chủ nhà trọ nhận sự hỗ trợ cũng cần có cam kết với chính quyền, ít nhất là với việc giữ giá phòng bình ổn để người lao động gián tiếp được thụ hưởng chính sách.
Gói hỗ trợ 100 tỷ đồng là không nhiều so với nhu cầu hơn nửa triệu phòng trọ ở thành phố nhưng nếu không thay đổi cách tiếp cận thì kể cả một nghìn tỷ cũng rất khó giải ngân.
Những phòng trọ "hộp diêm" vì thế sẽ vẫn tồn tại mà chẳng có cách gì tháo gỡ.
Lê Tuyết