Thiết kế và màn hình
Trên thị trường, đa phần smartphone tầm giá 4 triệu đồng chỉ được trang bị chất liệu nhựa với khung nhôm hoặc hoàn toàn bằng nhựa, nhưng Honor đã đưa vào nhôm nguyên khối. Thiết kế này giúp máy toát lên vẻ sang trọng khi nhìn tổng thể, cũng như tạo cảm giác chắc chắn và bám tay khi cầm nắm.
Honor 7C có thiết kế khá tương đồng với mẫu Honor 8 Pro – mẫu smartphone cao cấp ra mắt năm ngoái. Máy được bo cong bốn góc giúp cầm dễ dàng hơn bằng một tay, không bị cấn hoặc tạo cảm giác khó chịu, dù kích thước khá lớn (158,3 x 76,7 x 7,8 mm, nặng 164 gram). Các mối nối khít và khá hoàn thiện.
Mặt sau máy làm bằng nhôm nhưng được sơn theo kiểu mờ, nhám khá đẹp và cũng không bám quá nhiều vân tay. Ở đây có mặt của cụm camera kép phía trên góc trái và cảm biến vân tay ở giữa thuận tiện cho việc thao tác. Phần viền máy được bo cong, cạnh phải là phím tăng/giảm âm lượng và phím nguồn, phía trái là khe gắn sim và thẻ nhớ, cạnh dưới là nơi bố trí của cổng microUSB, cổng tai nghe 3,5mm và loa ngoài.
Trong khi đó, mặt trước của Honor 7C gồm camera selfie, loa nghe và các cảm biến trong khi phía dưới là logo máy. Dù thuộc phân khúc giá rẻ, Honor vẫn đưa vào thiết kế màn hình viền mỏng với tỷ lệ 18:9 vốn chỉ phổ biến trên các dòng smartphone tầm trung và cao cấp.
Màn hình của máy nhìn chung cho hình ảnh hiển thị ở mức khá, màu sắc đẹp, độ sáng và độ tương phản cao, vẫn sử dụng được ở những nơi có môi trường ánh sáng mạnh như ngoài trời. Honor 7C sở hữu màn hình TFT LCD công nghệ Honor FullView kích thước 5,99 inch với độ phân giải HD (1.440 x 720 pixel). Độ phân giải không được cao cộng thêm kích thước lớn khiến hình ảnh hiển thị có tình trạng răng cưa nếu để ý kỹ. Tuy vậy, với tầm giá trên, không đòi hỏi màn hình máy có độ phân giải cao hơn và nó cũng có một số cái lợi nhất định như tiết kiệm điện.
Tính năng
Dù hướng tới người dùng phổ thông, Honor 7C vẫn được đưa vào rất nhiều tính năng cao cấp. Đầu tiên phải kể đến việc mở khóa bằng nhận dạng khuôn mặt – điều chỉ xuất hiện trên các mẫu có giá bán cao hơn. Đây là tính năng khá hay, giúp người dùng dễ dàng mở khóa điện thoại mà không cần nhập mật khẩu hoặc hình vẽ, đặc biệt là khi đang chơi game hoặc đang làm việc gì khác. Thử nghiệm cho thấy, việc mở khóa khuôn mặt diễn ra nhanh chóng và chính xác. Thậm chí, hệ thống nhận diện còn phát hiện tốt để không mở khóa bằng hình ảnh 2D chụp lại chủ nhân của máy.
Nếu không sử dụng bảo mật bằng khuôn mặt, người dùng có thể thay thế bằng cảm biến vân tay, vẽ hình, mã PIN… hoặc kết hợp lại để tăng khả năng bảo vệ cho máy.
Bên cạnh đó, Honor còn đưa vào nền tảng Android 8.0 mới nhất với giao diện người dùng EMUI 8.0 khá đơn giản, bố cục không quá rườm ra, dễ làm quen và thao tác. Các tính năng như chế độ bảo vệ mắt Eye comfort (tự động lọc ánh sáng xanh không tốt cho mắt, điều chỉnh độ sáng và nhiệt độ màu dựa trên ánh sáng trong môi trường thực), chụp màn hình với 3 ngón tay, tắt màn hình bằng hai chạm… cũng đáng để thử trên Honor 7C, giúp tăng trải nghiệm khi sử dụng lên rất nhiều.
Ngoài ra, Honor 7C cũng sở hữu khay gắn SIM kép và khe gắn thẻ nhớ riêng nên người dùng có thể sử dụng đồng thời chức năng 2 SIM và thẻ nhớ riêng biệt mà không phải hi sinh một khe gắn SIM như một số thiết bị sử dụng khe gắn SIM kép.
Camera
Honor trang bị cho 7C camera kép phía sau với độ phân giải lần lượt là 13 megapixel và 2 megapixel cùng chức năng Tự động lấy nét pha (PDAF) cho phép lấy nét nhanh lên đến 0,3 giây. Ảnh chụp được từ camera này dù không quá nổi bật nhưng cũng ở mức khá trong tầm giá. Ở môi trường đủ sáng, ảnh có màu sắc đẹp, tươi, độ tương phản cao, ít bị vỡ pixel khi phóng to. Nhưng trong môi trường thiếu sáng, ảnh bị bệt, nhiễu hạt, thiếu chi tiết và màu sắc cũng khá nhạt. Tốc độ lấy nét ở môi trường này cũng khá chậm.
Máy có camera phía trước 8 megapixel cho chụp selfie với chất lượng ảnh ở mức khá. Bên cạnh đó, tính năng Selfie Toning Light giúp ảnh selfie của bạn trông đẹp hơn và rõ ràng hơn ngay cả khi chụp vào ban đêm. Camera của Honor 7C có khá nhiều tính năng, như chế độ làm đẹp tự động trên ảnh, tự tối ưu hóa các bức chân dung, chụp panorama, chụp ảnh HDR, tạo con dấu theo nhiều phong cách… Riêng chế độ Khẩu độ rộng (f/0.95 đến f/16) cho hình ảnh với độ sâu trường ảnh cao, thích hợp chụp ảnh người và vật trong vòng 2 mét.
Cấu hình và hiệu năng
Honor 7C được trang bị bộ xử lý 8 lõi Snapdragon 450, RAM 3GB và bộ nhớ trong 32 GB, có thể mở rộng lên tới 256GB. Đây là cấu hình nhỉnh hơn so với các thiết bị có tầm giá 4 triệu đồng khác, như Oppo A71 (Snapdragon 450, RAM 2GB, bộ nhớ 16GB) hay Sony Xperia L1 (MediaTek MT6737T, RAM 2GB, bộ nhớ 16GB). Máy đạt 67.555 điểm trong thử nghiệm Antutu Benchmark.