![]() |
Nghệ sĩ Hồng Vân trong vở "Cô giáo Hạnh". |
- Chị diễn có dựa trên một nguyên mẫu nào không?
- Tôi rất nhớ hình ảnh cô giáo dạy văn trước đây của tôi ở trường trung học Lê Quý Đôn. Cô có một vẻ đẹp hiền dịu rất Huế, chưa bao giờ thấy cô la mắng học trò, ngay cả học sinh cá biệt cũng luôn ngoan ngoãn khi cô giảng bài. Tà áo dài tím nhạt, tím hồng tha thướt vẫn còn in dấu trong ký ức, nên mỗi lần được thể hiện vai cô giáo là tôi lại bắt chước mặc áo dài tím, như trong vở Mùa xuân ở lại và Những đứa trẻ bụi đời.
- Chị nghĩ gì khi có ý kiến cho rằng, những cô giáo như Hạnh không còn nhiều trong cuộc sống đầy toan tính hiện nay?
- Tôi tin là vẫn còn nhiều. Có thể vì đời sống kinh tế nên một số thầy cô ép học sinh đi học thêm hoặc đóng học phí quá cao, nhưng đó chỉ là thiểu số. Dẫu sao đi nữa, người thày vẫn luôn có công lao đào tạo chúng ta. Như nhân vật cô giáo Ngãi khó tính của Cát Phượng đóng, có thể các em sẽ không thích, nhưng lớn lên các em mới hiểu, thông cảm và thương cô nhiều hơn.
- Chị có nghĩ đến một lúc nào đó mình sẽ đứng trên bục giảng để truyền nghề lại cho thế hệ tiếp nối?
- Trước đây, khi tốt nghiệp trường Nghệ thuật sân khấu II, Ban giám hiệu có đề nghị tôi ở lại làm giảng viên, nhưng tôi nghĩ mình không hợp. Tuy nhiên, tôi vẫn thường truyền kinh nghiệm cho các diễn viên trẻ theo phương pháp mà tôi tiếp thu được ở những người thầy của mình.
- Chị có cảm giác sợ, khi đào tạo các em thành danh nhưng sau đó lại không nhớ gì đến mình không?
- Thực ra là có, nhưng tôi không chờ đợi học sinh quay lại trả ơn, tôi chỉ xem đó là sứ mạng mà mình phải hoàn thành. Các em thành danh, tôi mừng cho các em và mừng cho mình biết đánh giá đúng năng lực học trò.
(Theo Điện Ảnh Kịch Trường)