Theo NSƯT Lê Chức - Phó chủ tịch Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam, việc Hồng Vân đưa số lượng diễn viên hùng hậu đi các tỉnh thành diễn “Nỏ thần”, “Mẹ và người tình” có ý nghĩa quan trọng trong việc đem sân khấu đến gần hơn với khán giả. Những đơn vị xã hội hóa không có điều kiện như các đơn vị công lập nên Lê Chức cho rằng, các tác giả nên gửi nhiều kịch bản cho họ.
Một cảnh trong vở "Mẹ và người tình". Ảnh: BTC. |
Trong khi đó, nhà văn Chu Lai nhận xét: “Kịch bản sân khấu bao giờ cũng là khâu đột phá trọng yếu nhất và do đó cũng là khâu nan giải nhất cho sự tồn tại của một nền sân khấu. Không có kịch bản là không có gì hết”. Ý thức được điều đó, năm 2010, Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam đã mở liên tiếp 5 trại viết trong cả nước và phát động cuộc thi sáng tác kịch bản hai năm để mong tháo dỡ, tăng nhiệt, phá bỏ phần nào bức tranh sáng tác văn học kịch đang có chiều nguội lạnh, im ắng lâu nay.
Sau một năm, Ban tổ chức đã nhận được 40 kịch bản của 35 tác giả gồm đủ thể loại đặc trưng của sân khấu trong đó tác giả cao niên nhất đã bước vào tuổi 99 như lão tác giả Học Phi, người trẻ tuổi nhất mới ngoài 30. Nhìn chung mặt bằng kịch bản đã đạt được sự đa dạng, đa chiều, từ hiện tại tới những câu chuyện mang tính lịch sử, từ thành thị tới nông thôn, từ con người bình thường tới nhân vật sử thi… Tuy nhiên, chất lượng chưa đồng đều, chưa tạo hiệu ứng mạnh mẽ về thẩm mỹ, những cú bứt phá gây sửng sốt. Nhiều tác phẩm còn có lỗi thể hiện sơ sài, thiếu dụng công trong tìm tòi, triển khai ý tưởng.
Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam hy vọng, trong vòng một năm còn lại, cuộc thi sẽ nhận được nhiều hơn những tác phẩm từ đội ngũ tác giả là những người yêu sân khấu trong và ngoài nước để đạt được kết quả khả quan hơn.
Ngọc Trần