Dịp 21 năm ngày mất của nhạc sĩ, từ Pháp, Hồng Nhung tưởng nhớ ông. Hơn nửa năm sống ở Paris, ca sĩ có thời gian tĩnh tại, hồi tưởng lại nhiều hồi ức trong quá khứ, được người thân, bạn bè động viên viết sách.
Trong buổi chiều 1/4 lạnh lẽo, Hồng Nhung viết gửi người tình một thuở: "Hôm nay, Paris bỗng tuyết rơi giữa mùa xuân, cả một trời hoa trắng bay vời vợi... Em giờ ở đây, giữa vòng nôi nghệ thuật mà anh từng lưu luyến, để im lặng, để viết lại những câu chuyện về những trải nghiệm, những ký ức luôn lấp lánh trong cả những chiều sương giăng... Những câu chuyện ấy, câu chuyện về định mệnh cho em gặp anh sẽ để em được sống lại những khoảnh khắc không cần vội vã, không cần giấu giếm, không cần lược bỏ. Bởi với anh, chỉ với anh thôi, em không là ca sĩ Hồng Nhung, mà là người đàn bà trẻ con".
Sống ở Paris, Hồng Nhung nhớ Trịnh Công Sơn nhiều hơn bởi ông yêu thích thành phố, từng kể nhiều địa danh nơi đây. Ca sĩ đã đến gần hết những nơi nhạc sĩ nói, trong đó có quán cà phê De Flore ở đại lộ Saint Germain.
Nghệ sĩ lên ý tưởng về 22 câu chuyện, hoàn thành một vài bài trong số đó, nhờ bố - dịch giả Lê Văn Viện và hai người bạn là giáo sư ở Mỹ - biên tập. Ca sĩ nói phần ký ức về nhạc sĩ Trịnh Công Sơn là một câu chuyện dài trong số đó, thậm chí có thể viết một cuốn sách riêng. Tác phẩm chưa có tên, dự định ra mắt trong hai năm tới. Hồng Nhung không đặt nặng chuyện xuất bản, bán sách, trước hết chỉ muốn viết cho bản thân.
"Anh Trịnh Công Sơn là tình yêu lớn của cuộc đời tôi. 10 năm ở bên nhạc sĩ là 10 năm Bống hạnh phúc, vui vẻ, được yêu thương, chở che. Tôi sẽ kể lại câu chuyện về định mệnh cho tôi gặp anh Sơn một cách chân thực, không cần giấu giếm, lược bỏ", Hồng Nhung nói.
Những ngày cuối đời, khi bệnh trở nặng, Trịnh Công Sơn từ chối gặp nhiều người, riêng Hồng Nhung lúc nào cũng thể vào thăm ông. Khi ông qua đời, ca sĩ ở Australia lưu diễn cùng Thu Phương. "Nghe tin, tôi ban đầu nghĩ rằng đó là trò đùa ác ý ngày 1/4, nhưng sau đó buộc phải nhìn vào sự thật. Tôi hủy những buổi biểu diễn sau, về nước đưa tiễn anh. Tôi như mất đi ngôi nhà tinh thần của mình. Nhiều năm trôi qua, tôi vẫn sống với nỗi buồn đó qua các ca khúc, kỷ niệm về anh", Hồng Nhung nói. Ca sĩ không hối hận chuyện không kề bên nhạc sĩ giây phút ông qua đời bởi đó là sự sắp đặt của định mệnh.
Trong sách, ca sĩ sẽ kể lại cuộc gặp gỡ định mệnh với nhạc sĩ năm 1991. Hồi ấy, Hồng Nhung "chân ướt chân ráo" vào TP HCM, cùng Thanh Lam hát trong một buổi biểu diễn của giới văn nghệ sĩ. Lúc đó, người đàn ông nhỏ bé ngà ngà say, lắng nghe chị ngân nga: "Tình yêu mật ngọt, mật ngọt trên môi/ Tình yêu mật đắng, mật đắng trong đời/ Tình yêu như biển, biển rộng hai vai" (bài Lặng lẽ nơi này). Ông đến gần, giúp chị xắn tay áo rồi khe khẽ hát theo. Ngày hôm sau, Trịnh Công Sơn nhờ bạn bè tìm bằng được Hồng Nhung, mời đến nhà chơi. Thời không có điện thoại di động, internet, bạn bè ông mất cả ngày mới tìm thấy Hồng Nhung. Sau cuộc gặp gỡ định mệnh, căn nhà ở 47C Phạm Ngọc Thạch là chốn đi về quen thuộc của nữ ca sĩ.
Thời ấy, Hồng Nhung đã gặt hái nhiều thành tích ở Hà Nội nhưng vẫn là tên tuổi vô danh ở miền Nam. Trịnh Công Sơn giới thiệu ca sĩ hát ở nhiều tụ điểm nổi tiếng lúc bấy giờ. Thân thiết với nhạc sĩ nổi tiếng bậc nhất, chị đối diện không ít gièm pha, ganh ghét. "Nhiều người bực bội vì một con bé mới 21 tuổi, đen, gầy, xấu, răng khấp khểnh, lính mới từ Hà Nội vào, lại quen và thân với anh Trịnh Công Sơn. Thế nhưng tôi không quá bận tâm vì cùng lúc đi học, đi hát, chăm lo cho bố. Và quan trọng là, anh Sơn quá yêu thương, chiều chuộng Bống. Tình yêu ấy đủ để xoa dịu những đố kỵ, hờn ghen", ca sĩ nói. "Em hãy thoải mái vẫy tay chào cuộc đời" là câu nói ông thường khuyên Hồng Nhung.
Diva và nhạc sĩ hợp nhau vì đều là người sâu sắc, nội tâm nhưng lại thích trò chuyện tếu táo. Mỗi lần tụ tập bạn bè, Trịnh Công Sơn hay khoe: "Hồng Nhung nói chuyện vui lắm" hoặc yêu cầu: "Nhung ơi, Nhung giả vờ nói giọng địa phương đi".
Tình cảm Trịnh Công Sơn dành cho Hồng Nhung được ông thể hiện rõ trong chùm ca khúc viết tặng Bống: Bống bồng ơi, Bống không là bống, Thuở Bống là người. Trong đó, Hồng Nhung thích nhất những câu trong bài Thưở Bống là người, với câu hát: "Bống đùa biển khơi. Bống đùa núi đồi. Bống đùa đùa tôi".
Nhạc sĩ giỏi tiếng Pháp, từng nhiều lần dạy ngoại ngữ cho Hồng Nhung. Ông gọi ca sĩ là "La Femme Enfant" (người đàn bà trẻ con) bởi tư duy già dặn so với tuổi cách nói chuyện vẫn đậm nét nhí nhảnh, hồn nhiên. Một lần, khi phóng viên nước ngoài đến phỏng vấn Trịnh, hỏi Hồng Nhung bao nhiêu tuổi, ca sĩ trả lời "25". Nhạc sĩ cười, nói đùa: "Không phải đâu, cô này 52 tuổi".
Hà Thu