Diva nói về công việc, cuộc sống, dịp làm liveshow Hát về Hà Nội, tối 30/11 tại Nhà hát Hồ Gươm, giới thiệu bài hát, album mới.
- Chị gửi gắm điều gì trong concert đầu tiên hát về quê hương?
- Tôi dồn toàn bộ tâm huyết, làm đêm nhạc thực sự khác biệt, hát những ca khúc quen thuộc bằng ngôn ngữ mới. Tôi ứng dụng nghệ thuật sắp đặt (installation art) để tạo nên những tiết mục có không gian đa chiều, kết hợp nhiều loại hình như múa, hip hop, nghệ thuật thị giác với âm nhạc. Chẳng hạn, chỉ một tiếng "coong" vang lên rồi loãng ra, tiếng hát cất lên, đèn vụt sáng rồi tắt, và nhạc bật. Đó là điều các nghệ sĩ nước ngoài đã thử nghiệm nhiều nhưng ở Việt Nam còn ít và mới lạ. Tôi là người viết kịch bản.
Êkíp gần 100 người, khách mời gồm các nghệ sĩ Linh Nga, Hà Anh Tuấn, Big Daddy, nghệ sĩ Quyền Thiện Đắc, Bùi Công Duy, nhạc sĩ Lưu Hà An. Tất nhiên không thể thiếu em Cao Trung Hiếu - đạo diễn - là người gợi ý tôi ý tưởng ban đầu. Tôi mong anh Trần Mạnh Tuấn tham gia, nhưng lịch tập quá dày, sức khỏe anh không đảm bảo.
- Hát về Hà Nội với hình thức thể nghiệm, chị lường trước phản ứng khán giả thế nào?
- Tôi xác định nền tảng fan cũ sẽ "mẻ" một chút nhưng không sao, có thể chỉ hai tháng sau lại "liền". Tôi không muốn cứ mãi ngủ quên, trở thành "kẻ nhắc tuồng quá khứ". Đó là điều nhạc sĩ Trịnh Công Sơn từng dạy.
30 năm trước, 22 tuổi, khi bắt đầu hát nhạc Trịnh, tôi bị một nửa số khán giả chê thậm tệ, nửa còn lại thì ủng hộ. Tiến sĩ Nguyễn Thị Minh Thái đã có bài Trịnh Công Sơn - Hồng Nhung, sớm và muộn, xanh và chín, nói về hiện tượng này.
Tôi nhớ khi báo in ra lò, tôi sốc trước những bài viết phê bình, gọi điện khóc rú lên với anh Trịnh Công Sơn: "Anh cứ bảo em hát, rồi giờ em bị vậy, khổ thân em". Anh trả lời: "Nhung cứ từ từ, anh nói này. Hồng Nhung kệ nha". Anh gọi tôi đến nhà, bày món cho tôi ăn uống, cùng chơi đàn rồi hát. Sau đó, anh mới nói: "Hồng Nhung hát rất hay. Còn những người khác có nói gì, kệ họ". Sau đó, nhạc sĩ bênh vực tôi và nói: "Hồng Nhung hát nhạc của tôi với hơi thở của ngày hôm nay và cách nghĩ của thế hệ cô ấy. Cho nên Hồng Nhung đã thổi một đời sống mới vào âm nhạc của tôi, khiến tôi không phải là kẻ nhắc tuồng quá khứ".
Sau này, tôi đọc được một câu anh nói: "Tôi là người của công chúng, theo sau tôi có rất nhiều thị phi. Nhưng tôi không để ý và càng không bao giờ đáp lại. Người ta không thể cứ đấm mãi vào không trung".
- Bài học của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn có ý nghĩa thế nào trong cuộc sống cũng như sự nghiệp của chị?
- Tất nhiên, chẳng ai muốn bị chê và luôn thích được khen. Nhưng trải qua nhiều năm sống và làm nghề, tôi quan niệm nghệ sĩ chân chính phải theo đuổi thứ nghệ thuật mà họ tin tưởng. Mọi người có thể chê hoặc thậm chí chửi, nhưng những thứ có giá trị rồi sẽ được chấp nhận. Nhiều nghệ sĩ thiên tài, chẳng hạn như danh họa Basquiat, từng có nhiều tác phẩm gây tranh cãi, nhưng giờ tranh ông giá hàng triệu Euro. Giờ nếu lại bị chê, tôi cũng không bận tâm nhiều mà đắp chăn đi ngủ, bởi mệt quá rồi (cười).
Tôi từng gặp nhiều ca sĩ trẻ hát nhạc Trịnh, thường nói: "Nếu em cần chị giúp hiểu hơn về bài hát, chị sẵn sàng nói. Nhưng đó là ý kiến của chị, không nhất thiết em phải hát giống. Em cứ trình diễn theo cách của em, cảm nhận của em". Chẳng hạn, cách Mỹ Anh nhà Mỹ Linh hát thể hiện sự cảm nhận của lớp con cháu chúng ta về nhạc Trịnh, giống các con tôi vậy. Hai em Tôm, Tép nhà tôi cũng nghe nhạc của anh Sơn, mỗi năm giỗ anh đều đến viếng nhạc sĩ.
- Chuyển từ Pháp về Việt Nam sống hơn một năm qua, cuộc sống của chị thay đổi thế nào?
- Tôi chủ yếu ở TP HCM, gần đây ra Hà Nội nhiều hơn. Hai con học ở quận 9 từ năm ngoái. Các con rất thích Việt Nam, chỉ xin mẹ Giáng sinh được sang Pháp chơi. Bố tôi sống gần nhà con gái, đi bộ vài bước là tới. Tôi năn nỉ ông hàng tỷ lần về ở với con cháu, nhưng ông không đồng ý. Ba tháng nữa, khi ba mẹ con chuyển sang căn hộ mới, ông nhượng bộ sống chung trong một tòa nhà.
- Chị gặp khó khăn gì trong việc duy trì tình cảm với bạn trai Gerhard Heusch ở nước ngoài?
- Anh đang thiết kế nhà cho Tổng thống một nước châu Phi, hai công trình lớn ở Beverly Hills, Mỹ và penthouse mới cho tôi. Chúng tôi đều rất bận, không đặt nặng việc liên tục phải ở bên nhau. Tôi đã quá từng trải, không còn lo được lo mất, sợ tình cảm phai nhạt hay nghi ngờ anh.
Anh thì luôn sợ tôi làm việc quá sức. Tôm, Tép thích trò chuyện, hỏi ý kiến anh và có nhiều điểm chung để chia sẻ. Anh và các cháu cùng hưởng nền giáo dục châu Âu, trong khi tôi lớn lên dưới thời bao cấp, ít sự tương đồng. Nhiều kiến thức con học, tôi không giải đáp được.
- Nuôi dạy con sinh đôi ở tuổi thiếu niên, chị gặp những tình huống gì khó xử?
- Ngày xưa, tôi sống với bố. Hàng ngày, ông giao nhiệm vụ đi chợ nấu cơm, giặt quần áo, dọn dẹp nhà cửa xong xuôi rồi mới được đi hát. Thỉnh thoảng, tôi vẫn bị đánh đòn vì trốn đi biểu diễn hoặc về nhà muộn nửa tiếng.
Các con lớn lên trong điều kiện tốt, học trường quốc tế từ nhỏ, lại đang vào tuổi dậy thì nên suy nghĩ khác mẹ, đôi khi có thái độ chống đối. Từ lâu, con không cho mẹ chụp hình, đăng ảnh lên mạng xã hội. Những lúc không bằng lòng, con nhốt mình trong phòng, hoặc mẹ bảo gì thì vâng dạ nhưng không làm theo. Khi tôi nói "Mẹ kể cho mà biết nhớ, hồi mẹ bằng tuổi này, mẹ phải thế này thế kia", hai đứa sẽ hò nhau: "Chạy đi, mẹ lại nhắc chuyện ngày xưa rồi". Con cũng chán bởi các câu chuyện tôi kể không liên quan gì đến cuộc sống của chúng.
Tôi vẫn có một số quy định nghiêm. Chẳng hạn con không được tự do dùng điện thoại thông minh. Mỗi sáng, hai bạn ngồi xe bus 40 phút để đến trường. Chiều về nhà, con phải bỏ điện thoại vào giỏ, làm bài tập, học nhạc xong mới được dùng. 21h, tôi thu lại để con đi ngủ. Như vậy, con chỉ được dùng trên đường đi học mà thôi.
- Chị tạo điều kiện cho con theo đuổi nghệ thuật thế nào?
- Hai bạn đều có năng khiếu, Tép vẽ rất đẹp, còn Tôm biết thổi saxophone. Hôm trước, Tôm nể mặt thầy Trần Mạnh Tuấn nên đồng ý biểu diễn trong đêm nhạc của thầy, đệm cho mẹ bài Người ơi người ở đừng về. Buổi đầu, con thổi sai một nốt, lập tức căng thẳng, được mẹ động viên. Cuối cùng, con vẫn được khán giả vỗ tay, ngượng đỏ hết mặt. Con nói với cô Linh - vợ thầy: "Cô ơi, con thổi sai, con làm có dở quá không. Con hứa với cô sẽ tập luyện. Mai con còn được xuất hiện nữa không cô?". Hôm sau, con biểu diễn tròn trịa.
Tôi luôn cho con trải nghiệm và học hỏi những thứ mới mẻ. Năm đầu khi mới sang Pháp, hai con học trường quốc tế, dùng cả tiếng Anh và tiếng Pháp. Sau đó, tôi chuyển hai bạn sang học hoàn toàn cùng trẻ em bản xứ. Con đứng bét lớp, tôi nói: "Không sao, các bạn đều là người Pháp, con là người Việt Nam. Con mới sống ở đây năm thứ hai, xếp cuối lớp là chuyện bình thường. Mẹ rất vui. Con cứ tiếp tục nói chuyện, đi chơi với bạn đi". Sau một năm, hai con đều tiến bộ, Tép còn vào top 5 lớp.
- Chị chuẩn bị tinh thần, sức khỏe thế nào khi cùng lúc thực hiện concert, ra mắt ca khúc mới, đĩa than, phim tài liệu Thong dong với Bống?
- Tôi sống kỷ luật, nghiêm khắc và khoa học. Mỗi sáng, tôi dậy sớm, uống một cốc nước ấm pha gừng, dấm táo và mật ong để thanh lọc cơ thể. Sau đó, tôi uống nước và trà để tỉnh táo, rồi tập yoga. Thể dục, tắm giặt xong, tôi luyện thanh nhạc. Ở tuổi trung niên, nếu không rèn luyện, bạn không thể hát nhẹ, tình cảm nhưng vẫn có lực.
Tôi từng học thanh nhạc ở Anh, cô giáo luôn nhắc nhở ca sĩ phải ngủ đủ 10 tiếng mỗi ngày để duy trì thể trạng tốt. Vì vậy, tôi sẽ cố gắng ngủ tám tiếng ban đêm, hai tiếng buổi trưa. Đợt này, tôi quá bận nên chỉ có thể ngủ khoảng bảy, tám tiếng.
Hồng Nhung tên đầy đủ là Lê Hồng Nhung, đi hát từ thập niên 1980. Chị thành công với các ca khúc của Trịnh Công Sơn, Dương Thụ, Trần Tiến, Phú Quang, Quốc Trung, Thanh Tùng. Các album tiêu biểu của Hồng Nhung là Đoản khúc thu Hà Nội (1997), Bài hát ru cho anh (1998), Ngày không mưa (2002), Thuở Bống là người (2003), Khu vườn yên tĩnh (2004).
Cuối năm 2017, chị tái ngộ khán giả với album về Hà Nội Phố à phố ơi. Năm 2020, ca sĩ ra mắt CD Tuổi thơ tôi - album gồm các bài thiếu nhi phổ biến như Ngày đầu tiên đi học, Chú ếch con, Đếm sao. Năm ngoái, ca sĩ làm concert, ra mắt đĩa than Bống là ai, hát nhạc Trịnh theo phong cách jazz.
Hà Thu