- Trong những lần nói về Hà Nội, Hồng Nhung thường say sưa nói về Hà Nội xưa mà ít nói về Hà Nội nay. Vì sao vậy?
- Hà Nội xưa gắn với tuổi thơ tôi, với nhiều kỷ niệm buồn. Tuổi thơ tôi chỉ có bố và bà. Những năm 70, chuyện ly hôn hiếm lắm. Những ngày bố phải đi công tác ở bệnh viện Thụy Điển (Quảng Ninh) tôi chỉ ở nhà với bà nội. Bà mất năm tôi 10 tuổi. Rồi bố có thêm vợ. Dì ghẻ có 2 đứa con, dì ghẻ không phải là người ác nhưng trong một hoàn cảnh khó khăn như thế về cả vật chất và tinh thần thì một đứa trẻ sẽ có một tuổi thơ không bình thường.
- Những người có tuổi thơ khó khăn, khi thành đạt thường có xu hướng nuông chiều con cái như sự bù đắp tinh thần cho mình. Bản thân chị thì sao?
- Thực ra tôi không đến nỗi khổ vì thời điểm đó, thiếu thốn vật chất là chung của cả xã hội. Tôi có cách sống hiện đại là đời ai biết đời ấy, đừng bắt con cái trả lại cho mình những gì đời mình không có. Tôi là bà mẹ lớn tuổi nên có suy nghĩ chín chắn hơn những bà mẹ 20-25 tuổi. Tôi cũng muốn dành cho con những gì tốt đẹp nhưng không chủ trương nuông chiều chúng. Điều quan trọng theo tôi là bố mẹ luôn phải nói chuyện với nhau để thống nhất cách nuôi dạy con cái.
Ngày xưa, Hồng Nhung chỉ có bố và chỉ ảnh hưởng từ bố thôi. Vì thế nên khi viết bài Papa, tôi viết: “Gà trống nuôi con từ bé thơ”.
- Mẹ đẻ chị có tâm sự trên báo về nguyên nhân chia tay, sự ân hận của bà khi không chăm sóc chị ngày tấm bé. Đọc tâm sự của mẹ, chị cảm thấy thế nào?
- Tôi biết bà nhiều hơn những gì trên báo. Cái đó là để nói cho người không biết thôi. Tôi thông cảm là thông cảm, chứ không phải vì bài báo. Bây giờ không giận và ngày nhỏ cũng không, vì hai người chia tay sớm, mình bé quá biết gì đâu mà giận. Chỉ có chút tủi thân khi nhìn những đứa trẻ khác đủ đầy cha mẹ mà thôi.
* Diễn biến Giọng hát Việt qua sơ đồ |
- Chị thường xuyên đi cùng mẹ kế, chị cũng hay ca ngợi mẹ kế trên báo chí. Chị có e điều đó sẽ khiến mẹ đẻ chị chạnh lòng?
- Mẹ đẻ và mẹ kế đều chơi với nhau còn ở trong thâm tâm thế nào thì không biết. Có thể bà cũng chạnh lòng nhưng bà không thể hiện nên mình không biết hoặc bà cho rằng mình không có quyền để thể hiện. Mẹ đẻ tôi tên Hồng từng nói với mẹ kế tên Mai là: “Chị rất cám ơn Mai. Con là chị đẻ nhưng bao ngày chị đi xa thì em lại chăm sóc”. Cả hai bà đều xuất thân từ trí thức Hà Nội cả nên thành ra mọi chuyện cũng nhẹ nhàng. Những người Hà Nội đều có cách hành xử rất tinh tế.
- Là một cô gái Hà Nội, nhiều năm du Nam, vẫn thấy chị giữ nguyên phong cách nhỏ nhẹ, duyên dáng của người Tràng An. Ngay cả khi ngồi ghế nóng The Voice, trong phần tranh cướp thí sinh, chị vẫn rất khéo léo, nhẹ nhàng. Phải chăng đó là một vũ khí của chị?
- Khi vào một gameshow, chúng ta phải tuân thủ format chương trình và format của The Voice là tranh cướp thí sinh - đúng theo nghĩa đen. Mỗi người có một cách chiêu tài riêng. Cách của tôi ngồi yên trên ghế chứ không làm những động tác khác. Có những lúc rất thành công, chỉ cần nói đúng một câu (như nói với Âu Bảo Ngân: “Em có vẻ đẹp trong giọng hát và cả hình thức nữa. Điều đó toát ra từ gương mặt em khi hát”), có những lúc không hiệu quả vì bị những phong cách khác áp đảo.
- Trên mạng xã hội, nhiều ý kiến đánh giá chị là người công tâm nhất trong bốn huấn luyện viên. Chị nghĩ sao về điều này?
- Mỗi người có một nhận xét riêng và tôi cám ơn những ai đã dành sự ưu ái cho tôi. Bản thân tôi cho rằng, cả ba huấn luyện viên kia cũng đều công tâm với các thí sinh bởi trên truyền hình chúng tôi gọi họ là em nhưng về tuổi, họ chỉ đáng là con. Bốn huấn luyện viên cũng không có lý do gì để không công tâm với họ.
Tôi bước vào cuộc chơi mà chưa biết rõ cuộc chơi. Những gì các bạn thấy trên tivi chưa là gì so với khối lượng công việc vô cùng khủng khiếp mà tôi phải nhận trên thực tế. Riêng việc chọn 16 thí sinh ở vòng Giấu mặt qua một ca khúc các em thể hiện khi đó mà không biết mặt các em, không biết sở trường của họ là gì, rồi phải dạy, ghép đôi cho họ. Đặc điểm của đội Hồng Nhung là hầu hết các em chưa đi hát, cái khó của mình làm sao có bài song ca ngang tài ngang sức để khi xem khán giả không chán mà bản thân các thí sinh cũng không bị ấm ức.
Khi dạy, mình dạy các em như nhau nhưng vòng Đối đầu, mình bắt buộc phải chọn. Nhiều khi trong lòng mình đã chấm sẵn em A vì thấy em nổi bật trong quá trình tập nhưng khi lên sân khấu em B xuất sắc hơn thì mình buộc phải chọn B. Đó là sự công bằng. Các em đến với cuộc thi đều xứng đáng với điều đó.
- Chị nhìn nhận ưu, nhược điểm của mình so với các huấn luyện viên khác ra sao?
- Rõ ràng tôi lép vế. Quốc Trung thì là một nhà sản xuất, một nhạc sĩ nổi tiếng. Mỹ Linh át vía tôi khi khoe nào là Anh Quân, Huy Tuấn, Hồng Kiên, nào là phòng thu, ban nhạc Anh Em. Đàm Vĩnh Hưng thực ra có nhiều nhạc sĩ hậu thuẫn, có điều anh không nói ra như Mỹ Linh. Bản thân anh lại có nhiều kinh nghiệm do đã là huấn luyện viên The Voice từ mùa đầu. Trong khi tôi rất lính mới tò te. Mình tính nghệ sĩ, chỉ biết nghệ thuật nhưng gameshow có những luật riêng của nó. Chẳng có chồng làm âm nhạc, chẳng hậu phương, chẳng kinh nghiệm, nói chung là “gi có khồng”. Tôi vào chương trình Giấu mặt một mình, trong khi những người kia ai cũng đi nguyên một đội. Ban tổ chức hỏi: “Trợ lý Hồng Nhung đâu?”. Tôi bảo: “Mẹ tôi đi Hà Nội xây nhà rồi”. Họ bảo: “Phải có trợ lý chứ?”. Thế là tôi cuống lên gọi cho em Đoan Trang là Cao Trung Hiếu nhờ giúp.
- Chị còn khó khăn hơn các huấn luyện kia vì có hai con nhỏ cần chăm sóc. Chị sắp xếp mọi việc ra sao?
- Đã vào cuộc chơi thì mình không nên đưa ra những lý do cá nhân. Những cái đó mình phải tự cân đối từ nhà. Đừng nói kiểu: “Tôi khó khăn vì tôi có hai con nhỏ” - như thế không hay. May cho tôi là tôi sống ở TP HCM nên có thể đưa thí sinh về nhà dạy.
- Chồng chị là một người Mỹ và những người phương Tây thường không thích bị xáo trộn cuộc sống riêng bởi người lạ. Anh ấy nói sao khi chị đưa thí sinh về nhà?
- Chồng tôi sống ở Nhật từ năm 16 tuổi. Nói chung anh cũng không đến nỗi “Tây” quá. Anh cũng không than trách về việc tôi bận rộn với The Voice.
- Người hỗ trợ đội Hồng Nhung là Thanh Bùi - tại sao chị chọn nhạc sĩ, ca sĩ này khi anh ấy cũng đang bận rộn với công việc huấn luyện viên The Voice Kids?
- Thanh Bùi có nói trên truyền hình là “rất thương chị Hồng Nhung vì ngày đầu về nước, chị Nhung là người hỗ trợ nhiều nhất”. Điều này đúng, vì ngày xưa tôi có nói với Thanh Bùi: “Em muốn gì chị cũng chiều vì em có tài. Sau này mọi người sẽ nâng niu em nhưng giờ chưa ai biết em thì chị nâng niu em”. Khi Thanh Bùi làm nhạc bài Papa cho tôi, tôi quá nể. Thanh Bùi vô cùng nghệ sĩ, tư duy toàn cầu chứ không cục bộ. Bản thân anh ấy có trường dạy nhạc nên có nghiệp vụ sư phạm. Cộng với việc Hồng Nhung và Thanh Bùi suy nghĩ giống nhau. Khán giả xem truyền hình sẽ buồn cười vì thấy nhiều lúc tôi và Thanh Bùi cùng nói y chang.
Thanh Bùi phải đến với đội Hồng Nhung vì Thanh Bùi quá hợp và quá cần cho các em. Đúng là Thanh Bùi đang là huấn luyện viên The Voice Kids nhưng người chuyên nghiệp thì không sợ bị xao lãng, phân tâm. Giống như Hồng Nhung, không thể nói vì bận The Voice mà những công việc khác không chuyên tâm. Khi ngồi ghế nóng The Voice, tôi phải bỏ bớt các chương trình ca nhạc nhưng cái nào đã nhận thì phải làm cho tốt. Sắp tới đây, tôi sẽ tham gia In the spotlight số 7 với chủ đề “Người Hà Nội” vào ngày 19 - 20/7 tại Nhà hát Lớn Hà Nội cùng hai người bạn thân Quang Dũng, Mỹ Linh và ca sĩ trẻ Vũ Thắng Lợi. Đây là cơ hội để khán giả kiểm chứng điều này.
- Chị được mệnh danh là nghệ sĩ đậm chất Hà Nội. chị phải làm sao để tiếp tục duy trì điều đó trong lòng khán giả?
- Một chương trình về Hà Nội thì Hồng Nhung bắt buộc phải “Hà Nội” hơn những chương trình khác. Mọi sự chuẩn bị phải cao nhất nhưng lên sân khấu là phút lóe sáng, không ai biết lóe tới đâu (cười). Bản thân In the spotlight đặt ra mức khá cao cho nghệ sĩ nên bắt buộc mình ít nhất cũng phải chạm được mức đó. Tôi rất chờ đợi chương trình này bởi nó đúng với ý muốn của tôi: Nhắc nhở những giá trị làm nao lòng người của Hà Nội.
Ngọc Trần thực hiện
* Xem thêm trên Ngoisao.net: Mỹ Linh, Hồng Nhung hóa thiếu nữ Hà Nội xưa