Trong buổi tập nhạc chuẩn bị cho liveshow Tuổi thơ tôi (ngày 18/6), Hồng Nhung diện đồ màu nổi, để tóc bông xù.
Hơn 30 năm ca hát, ở tuổi 47, Hồng Nhung vẫn giữ thân hình nhỏ nhắn, thon gọn cùng nét hồn nhiên từng được nhạc sĩ Trịnh Công Sơn gọi là "người đàn bà trẻ con".
Ít ai biết rằng, trước áp lực của nghề, ca sĩ từng muốn bỏ hát để theo con đường bằng phẳng hơn. Thế nhưng, tinh thần lạc quan giúp cô vượt qua tất cả. "Take it easy" (Cứ thoải mái đi) là điều Hồng Nhung thường tự nhủ. "Khi bạn nhìn mọi việc dưới góc độ nhẹ nhàng hơn, chẳng điều gì có thể làm phiền lòng chúng ta cả", cô nói.
Tuổi thơ thiếu thốn tình cảm được lấp đầy bằng âm nhạc
Hồng Nhung không phải con nhà nòi nghề hát. Bù lại, việc sinh ra trong gia đình trí thức giúp cô có nền tảng văn hóa tốt. Ông nội cô là họa sĩ Lê Văn Ngoạn, ông ngoại là nhà ngôn ngữ học Đới Xuân Ninh, bố là dịch giả Lê Văn Viện. Khi Hồng Nhung chưa đầy hai tuổi, bố mẹ cô chia tay. "Cô Bống" nhớ hồi đó, đời sống vật chất, tinh thần của trẻ em nghèo nàn, không có nhiều sách vở, đồ chơi. Cô còn thiệt thòi hơn chúng bạn vì thiếu vắng bàn tay chăm sóc của mẹ.
Năm 10 tuổi, cô thi đỗ vào đội Họa Mi của Cung Văn hóa thiếu nhi Hà Nội. Một tuần ba buổi, cô đi bộ từ nhà số 11 Điện Biên Phủ đến nhà thiếu nhi ở Lý Thái Tổ để tập hát.
* Hồng Nhung hát "Lời chào của em"
Năm 11 tuổi, bé Bống thu thanh đơn ca bài hát Lời chào của em của nhạc sĩ Nghiêm Bá Hồng cho Đài Tiếng nói Việt Nam tại phòng thu trên phố Quán Sứ. Cô vẫn nhớ như in cảm giác sung sướng khi được hát cùng dàn nhạc do cố nhạc trưởng Cao Việt Bách chỉ huy. Đến nay, gia đình vẫn giữ bản thu âm này. Một năm sau, ca sĩ nhí lần đầu biểu diễn đơn ca trên sân khấu Cung Văn hóa thiếu nhi Hà Nội với bài Em đi giữa biển vàng (nhạc sĩ Bùi Đình Thảo).
* Hồng Nhung hát "Em đi giữa biển vàng"
Hồng Nhung kể đội Họa Mi thời đó do Liên Xô và Đức bảo trợ. Cô và bạn bè được trang bị đầy đủ trang phục, âm thanh, phương tiện di chuyển... Mọi thành viên trong câu lạc bộ đều học thanh nhạc, múa, kỹ năng sân khấu. Trước mỗi chuyến lưu diễn, các bạn nhỏ trải qua tập huấn kéo dài hàng tháng. Mỗi dịp hè, Hồng Nhung lại rong ruổi theo đội đi biểu diễn khắp đất nước. Bé xíu nhưng giọng lanh lảnh, mỗi lần đứng trên khấu, cô quên hết mọi thứ xung quanh, chỉ biết hát và hát.
Sinh hoạt cùng đội Họa Mi đã đặt những viên gạch đầu tiên, hình thành nền móng cho sự nghiệp của ca sĩ. Đó là quãng thời gian cô được học thanh nhạc, kỹ năng biểu diễn cùng những bài học về cách làm việc nhóm, cách quan hệ với bạn bè đồng lứa, cách chăm sóc bản thân... "Âm nhạc khiến tôi trở thành một đứa trẻ hạnh phúc, tự do và trưởng thành", Hồng Nhung hồi tưởng.
"Người đàn bà trẻ con" hát nhạc Trịnh bằng cả trái tim
Từ năm 1987 đến 1980, Hồng Nhung là "hiện tượng nhạc nhẹ" ở Hà Nội và là giọng ca triển vọng của Đoàn ca nhạc nhẹ Trung ương. Cô đoạt giải nhất cuộc thi "Giọng hát hay Hà Nội" với ca khúc Nhớ về Hà Nội, năm 1987. Lúc đó, thành tích đáng nể của cô bé "nhỏ, xấu xí nhưng hát hay" khiến nhiều giọng ca đàn chị ghen tỵ. Những đố kỵ trong nghề làm Hồng Nhung chán nản, lúc ấy, cô từng có ý định đi xuất khẩu lao động.
Năm 1990, khi tròn 20 tuổi, Hồng Nhung "Nam tiến". Trước đó, bố cô đã ở Sài Gòn hai năm. Ông bị bệnh chảy máu dạ dày. Vì thế, Hồng Nhung muốn đoàn tụ với bố để chăm sóc ông. Hồng Nhung thuở 20 non nớt mất hai năm héo hon vì nhớ Hà Nội.
Bước ngoặt lớn nhất đời "cô Bống" khi ở TP HCM là gặp gỡ nhạc sĩ Trịnh Công Sơn. Ngày đó, bố cô thường đi công tác ở Buôn Mê Thuột. Hàng ngày, cô ở nhà nhạc sĩ Trịnh Công Sơn ăn trưa, sau đó đến trường. Thời gian này, trong căn nhà số 47C Phạm Ngọc Thạch của cố nhạc sĩ, cô sinh viên như được sống trong "đại học lớn" của cuộc đời khi tiếp xúc với nhiều nhân vật tên tuổi trong giới văn nghệ sĩ miền Nam như nhà văn Nguyễn Quang Sáng, nhạc sĩ Từ Huy, Trần Long Ẩn, Tôn Thất Lập...
* Hồng Nhung hát "Ru đời đi nhé"
Khi còn rất nhỏ, Hồng Nhung đã nghe đĩa Sơn ca 7 từ nhà hàng xóm và vô cùng yêu thích các tác phẩm của nhạc sĩ họ Trịnh Công Sơn. Năm 14 tuổi, Hồng Nhung mới biểu diễn Em là bông hồng nhỏ - sáng tác thiếu nhi của cố nhạc sĩ.
Sau này, tiếp xúc với Trịnh Công Sơn, Hồng Nhung hiểu nhiều câu chuyện đằng sau mỗi ca khúc và dụng ý của ông. Những bài đầu tiên cô thể hiện là Ru đời đi nhé, Lặng lẽ nơi này... Bống của tuổi ngoài 20 hát nhạc Trịnh tự nhiên, bản năng, giọng hát trong trẻo phảng phất chút hoang hoải.
Cố nhạc sĩ không dạy cô những bài học cụ thể, tuy nhiên, cô ảnh hưởng nhiều từ cách sống, cách cảm nhận cái đẹp và sự khiêm tốn của ông. "Chúng tôi hồi đó không có khái niệm 'thần tượng'. Tôi yêu quý, cảm phục nhạc sĩ chứ không phải vì tên tuổi ông. Tôi muốn hát nhạc Trịnh đơn giản, mộc mạc, toát lên tinh thần tác phẩm", Hồng Nhung nói.
* Hồng Nhung hát "Thuở bống là người"
Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn cũng là người đưa biệt danh "Bống" của Hồng Nhung đến gần hơn với khán giả. Năm 1993, ông sáng tác bài đầu tiên trong chùm ba ca khúc về Bống gồm Bống Bồng ơi, Bống không là Bống, Thuở Bống là người.
Khi đó, Hồng Nhung khá già dặn so với tuổi đồng thời vẫn đậm nét nhí nhảnh, hồn nhiên của cô gái Hà Nội. Trịnh Công Sơn gọi cô là "người đàn bà trẻ con" - tinh thần này thể hiện rõ cá tính âm nhạc của Hồng Nhung. Trong những bản hit đầu tiên của cô ở Làn Sóng Xanh 1997 như Có đôi khi (Lã Văn Cường), Đóa hoa vô thường (Trịnh Công Sơn), tiếng hát cô chất chứa băn khoăn về tình yêu, cuộc sống nhưng vẫn ánh lên niềm yêu đời.
Giờ đây, ở tuổi U50, Hồng Nhung tự nhận cô thậm chí nhí nhảnh hơn 10-20 năm trước, thoải mái "quậy phá" trên sân khấu, trút bỏ mọi dè dặt để thể hiện nét hồn nhiên theo cách riêng. Từ khi sinh hai con - bé Tôm, Tép - hồi năm 2011, cảm nhận về cuộc sống của ca sĩ thay đổi so với trước. "Mọi thứ trở nên đơn giản, nhẹ nhàng và tích cực", cô nói. Tinh thần đó len lỏi trong âm nhạc, khiến các màn biểu diễn của diva tươi sáng hơn.
Nhìn lại hơn ba mươi năm sự nghiệp, Hồng Nhung nhận là người may mắn: "Tôi chỉ biết đáp lại sự ưu ái của khán giả bằng cách cố gắng làm việc nghiêm túc, chăm chỉ. Cuộc đời còn phải chấm dứt nữa là việc ca hát. Nhưng trước khi kết thúc, hãy dành tất cả trái tim và sự tử tế vào đó".
Vĩ Thanh