- Vì sao chị mất đến 6 năm để ra mắt album mới, kể từ CD "Vòng tròn"?
- Bây giờ, sản xuất một album nhạc rất cực. Với đĩa nhạc này, chúng tôi làm đi làm lại nhiều lần, có ca khúc do ba, bốn nhạc sĩ phối khí. Với tôi, một dự án như một đứa con, không thể sản xuất theo tiến độ thời gian mà phải hoàn thành dựa trên độ chín của tác phẩm. Âm nhạc không như thời trang - mỗi năm đều có một mùa.
Trong album này, tôi "vận nội công" nhiều nhất ở khoản thanh nhạc. Chưa bao giờ tôi chú trọng về kỹ thuật hát như thế. Mỗi sáng, sau khi tập thể dục xong, tôi lập tức luyện thanh. Ở đĩa nhạc mới, có khi tôi hát không ngân dài, có khi lại nối thành một hơi. Những nhấn nhá khi hát không phải là sự tính toán mà tôi cảm thấy cần phải như thế, làm sao để hát lên nghe như một tiếng thở. Tôi luôn quan niệm một khi đã ra CD thì nó phải mới, chứ hát không thì dễ quá vì công việc cả đời tôi là hát. Nó phải mới từ thông điệp, phong cách âm nhạc và lối hát. Nói như cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, tôi phải là người nói chuyện của ngày hôm nay, chứ không phải là kẻ nhắc tuồng của quá khứ.
- Nói về chuyện sáng tạo, gần đây, ca sĩ Uyên Linh phát biểu: "Danh xưng diva đã lỗi thời". Chị nghĩ sao?
- Đấy là ý kiến rất riêng của Uyên Linh và tôi tôn trọng cô ấy. Tôi đánh giá cao Uyên Linh - một giọng ca hay, có học thức. Bản thân tôi không tự cho mình là diva, mà chỉ cảm thấy rất được ưu ái khi khán giả phong tặng danh hiệu này. Đó là một danh vị quá lớn, bởi diva không phải là một phong cách hát, mà nó thể hiện sự sáng tạo, tầm vóc riêng, sự nghiệp kéo dài, có ảnh hưởng phần nào đến các thế hệ đàn em. Diva hoàn toàn không phải là thứ thời trang để khoác lên người.
Tôi cũng không nghĩ mình có chất giọng hay lối hát của một diva. Tôi hát giản dị như nói, không trưng trổ. Còn việc danh xưng diva đã lỗi thời hay chưa, tôi nghĩ do tùy người. Nó là âm nhạc và nghệ thuật, mà đã là nghệ thuật thì gu thưởng thức sẽ vô cùng. Trong thời trang, những thứ vốn bị coi là lỗi thời, "vintage" lại đang trở thành thời thượng. Những chiếc túi lâu đời của Hermes, Chanel được bán chạy hơn các túi đời mới nhiều.
- Có điều gì mới trong album "Phố à, phố ơi" - một đĩa nhạc về Hà Nội, khi chị đã quen hát về thủ đô?
- Chưa ai gọi phố theo cách tôi gọi như cái tên album, nghe vang lên sự thân thương, gần gũi. Trong CD mới, tôi gửi gắm suy nghĩ: Hà Nội không dành riêng cho những người chỉ sinh ra và lớn lên, có hộ khẩu. Ai ghé ngang qua, phải lòng Hà Nội, cũng có thể xem đây là quê hương của mình. Âm nhạc và hình ảnh về Hà Nội trong album đều là của hôm nay. Phần lời lẽ, ca từ không còn tính văn chương, trau chuốt như trước, mà giản dị hơn nhiều. Như tiêu đề ca khúc Tôi xưa nay Hà Nội trong album, tôi muốn phản ánh một Hà Nội giao thời giữa hiện tại và quá khứ, những sung sướng hôm nay và đau khổ đã qua. Có thể nhiều người khó chịu với Hà Nội của hiện nay: khói bụi, tắc đường, nhà cao tầng... trong khi những điều đẹp đẽ xưa cũ đang mất dần. Còn với tôi, sự phát triển đó là tất yếu. Nhờ vậy, mới có tôi của ngày hôm nay.
Thông điệp trong album mới cũng rất đơn giản: nếu đi ngang đường, có ai vẫy tay với mình, hãy chào lại, vì biết đâu ngày mai không bao giờ gặp lại họ nữa.
* Hồng Nhung hát về Hà Nội trong họp báo
- 20 năm trước, chị từng đoạt danh hiệu đĩa nhạc bán chạy nhất năm với "Đoản khúc thu Hà Nội". Chị dự đoán ra sao về doanh thu của album mới?
- Tôi biết chắc chắn đĩa nhạc mới này sẽ không lặp lại kỷ lục của album cũ. Đơn giản vì thị trường âm nhạc hôm nay đã khác thuở trước, thói quen nghe nhạc của giới trẻ ngày một đổi mới. Tôi muốn album của mình nằm trên kệ của những người thực sự yêu nó. Và họ sẽ nâng niu album như một cuốn sách được đọc đi đọc lại đến sờn gáy. Tôi hướng đến sự lâu dài, ngấm vào trong tâm hồn hơn là một thú giải trí thông trường. Tất nhiên, tôi không muốn nói nhạc thị trường là xấu.
Với việc phát hành album mới, chúng tôi hướng đến sự phát hành chuyên nghiệp, hệ thống hơn. Ngoài việc thực hiện CD - dành cho các fan Bống muốn sở hữu đĩa nhạc, tôi sẽ cho phát hành trên iTunes và 36 hệ thống nhạc số trên thế giới. Tôi cũng không đưa các ca khúc mới lên các trang mạng của Việt Nam. Điều đáng mừng là ngay hôm mở bán CD, 1.000 đĩa nhạc đã được bán cho một đơn vị.
- Chị nói gì khi thời gian dài qua chưa có dự án nào thực sự gây chú ý như thập niên 1990?
- Tôi vẫn đang miệt mài trên hành trình sáng tạo của mình, album Phố à, phố ơi là một minh chứng. Con người tôi là sự pha trộn giữa phương Đông và phương Tây. Tôi đi đâu, làm gì cũng suy nghĩ như một người Á Đông, nhưng vẫn nhạy bén và bắt kịp xu hướng thời đại. Ở thời điểm này, tôi hướng âm nhạc đến sự tinh tế. Tôi không chờ đợi một thành công vang dội như một quả bom, mà mong muốn các bài hát của tôi thực sự ngấm vào người nghe. Một tác phẩm nghệ thuật khác với một cái áp phích quảng cáo. Nó không phải là bề nổi, mà phải hướng đến chiều sâu.
Nhìn lại CD mới này, tôi vẫn chưa hài lòng. Bao giờ tôi cũng không mãn nguyện với thành quả, vẫn thấy hàng loạt lỗi. Nhưng bản thân là người cầu tiến, tôi chấp nhận. Từ những điều còn hạn chế, tôi sẽ đặt ra mốc mới cho album kế tiếp vào tháng 3 năm sau.
- Một Hồng Nhung viên mãn về gia đình, sự nghiệp sẽ hát khác gì so với cô Bống 20 năm trước?
- Tôi vẫn hát tung tẩy như thế, tất nhiên là bằng một cách khác, với tâm thế của một người giàu trải nghiệm. Thậm chí, tôi còn hát tung tẩy hơn. Thuở trẻ, tôi còn sung sức, năng lượng có bao nhiêu thì cứ hát bấy nhiêu. Nhưng bây giờ ra đường, chỉ cần có người khen mình hôm nay da sao căng mịn thế, tôi đã thấy sướng. Vì thế, tôi của ngày hôm nay hát với sự biết ơn, trân trọng cuộc đời đã cho mình còn được đứng, hát, cười trên sân khấu.
- Ngày xưa, chị thường hát về mất mát, đổ vỡ của nhạc Dương Thụ, Thanh Tùng, Phú Quang. Bây giờ, chị thích hát về điều gì?
- Tôi là một người có quan điểm sống đa dạng, vì vậy tôi hát tương đối nhiều dạng ca khúc. Tôi trung thành với phong cách hát giản dị, nhưng thể hiện được nhiều cung bậc cảm xúc. Tôi có thể hát một bài đau buồn, nhưng vẫn thích hát một nhạc phẩm tươi vui, chỉ cần tâm đắc với sáng tác ấy. Nhiều người nói tôi ít hát về những mất mát hơn vì đã viên mãn, hạnh phúc, nhưng điều đó không hẳn. Khi hạnh phúc hơn, chúng ta càng có thể hát về những điều đau khổ để nhận ra thuở xưa, khi chỉ toàn hát nhạc buồn, chúng ta chưa thực sự biết đến cảm giác của niềm hạnh phúc, rồi nhận ra ngày đó mình chỉ hát một màu.
* Hồng Nhung hát ca khúc "Cây bàng của cha" trong album mới
Mai Nhật thực hiện