Chris Yakymchuk, giáo sư ngành Khoa học Môi trường và Trái Đất của Đại học Waterloo, cùng đồng nghiệp phát hiện khối hồng ngọc niên đại 2,5 tỷ năm chứa dấu vết sự sống cổ xưa, Science Daily hôm 21/10 đưa tin. Thời điểm này, oxy không dồi dào trong khí quyển và sự sống chỉ tồn tại trong vi sinh vật và màng tảo.
Ban đầu, nhóm chuyên gia tiến hành nghiên cứu địa chất nhằm hiểu rõ hơn những điều kiện cần thiết để hồng ngọc hình thành. Trong quá trình nghiên cứu ở Greenland, nơi chứa những mẫu hồng ngọc cổ xưa nhất thế giới, họ phát hiện một khối hồng ngọc chứa than chì - khoáng vật hình thành từ carbon nguyên chất. Phân tích carbon chỉ ra đây là dấu tích của sự sống cổ đại.
"Than chì bên trong khối hồng ngọc này thực sự độc đáo. Đây là lần đầu tiên chúng tôi tìm thấy bằng chứng của sự sống cổ đại trong đá chứa hồng ngọc. Sự hiện diện của than chì cũng cho chúng tôi thêm manh mối để xác định xem hồng ngọc hình thành như thế nào tại địa điểm này, điều không thể thực hiện trực tiếp dựa vào màu sắc và thành phần hóa học của hồng ngọc", Yakymchuk nói.
Việc than chì hiện diện cho phép nhóm nhà khoa học phân tích thành phần đồng vị của các nguyên tử carbon, giúp đo đạc số lượng tương đối của các nguyên tử carbon khác nhau. Hơn 98% nguyên tử carbon nặng 12 đơn vị nguyên tử khối, nhưng một số nặng hơn với khối lượng là 13 hoặc 14 đơn vị.
"Vật chất sống thường chứa những nguyên tử carbon nhẹ hơn vì chúng cần ít năng lượng hơn để hợp nhất vào tế bào. Dựa vào lượng lớn carbon-12 trong than chì, chúng tôi kết luận các nguyên tử carbon này từng là sinh vật cổ đại, nhiều khả năng là vi sinh vật đã chết như vi khuẩn lam", Yakymchuk giải thích.
Than chì không chỉ giúp liên kết hồng ngọc với sự sống cổ đại mà có thể còn là yếu tố cần thiết để khối đá quý này hình thành. Nó đã thay đổi tính chất hóa học của các khối đá xung quanh để tạo điều kiện thuận lợi cho hồng ngọc phát triển. Mô hình của nhóm nghiên cứu cho thấy nếu thiếu than chì, hồng ngọc có thể không xuất hiện ở địa điểm này.
Thu Thảo (Theo Science Daily)