Bệnh nhân mắc viêm gan B mạn tính, nhờ tuân thủ phác đồ điều trị và thăm khám định kỳ, tình trạng virus được ức chế và kiểm soát hiệu quả. Song, 2 tháng nay, bà bỏ thuốc, tự áp dụng theo phương pháp "tiết thực", sử dụng loại nước kiềm không rõ loại để điều trị. Tiết thực được cho là phương pháp nhịn ăn nhằm tiêu diệt các tế bào "yếu ớt" trong cơ thể. Trong khi nước kiềm được nhiều "lang băm" quảng cáo là thần dược chữa khỏi mọi loại bệnh.
Gần đây, người phụ nữ xuất hiện mệt mỏi, chán ăn, vàng mắt, vàng da tăng dần và nước tiểu sẫm màu. Khám tại Bệnh viện Đa khoa Medlatec, kết quả xét nghiệm cho thấy chỉ số xét nghiệm men gan (AST, ALT) vượt ngưỡng bình thường gấp 100 lần.
"Bệnh nhân được chẩn đoán suy gan cấp trên nền đợt bùng phát viêm gan B, phải nhập viện điều trị nội trú. Đến nay, sau 3 lần lọc huyết tương, bệnh nhân ý thức chậm, nếu không được ghép gan kịp thời có nguy cơ tử vong cao", bác sĩ Trần Tiến Tùng, chuyên khoa Nội, nói hôm 9/12.
Bác sĩ Tùng cho biết trường hợp bỏ thuốc, tự ý điều trị khiến virus viêm gan B bùng phát mạnh, làm suy giảm nghiêm trọng chức năng gan, nguy cơ tử vong không hiếm gặp.
Viêm gan do virus có 4 loại, gồm A, B, C và E. Viêm gan A và E gây nhiễm trùng tiêu hóa cấp, viêm gan virus B và C gây viêm gan mạn tính, dẫn đến xơ gan và ung thư gan. Trong đó, A, C và E có thể điều trị khỏi, viêm gan virus B chưa có thuốc điều trị, chỉ có thuốc ức chế.
Số liệu từ Bộ Y tế cho thấy Việt Nam là một trong những quốc gia có gánh nặng viêm gan virus cao trong khu vực Tây Thái Bình Dương. Ước tính nước ta hiện có khoảng 6,6 triệu người mắc viêm gan B và gần một triệu người nhiễm viêm gan C mạn tính.
Để hạn chế tổn thương gan và ngăn chặn virus bùng phát, người bệnh cần tuân thủ phác đồ điều trị của bác sĩ. Không được tự ý ngừng thuốc, hoặc chỉ ngừng điều trị khi có chỉ định của bác sĩ. Đồng thời, định kỳ kiểm tra để đánh giá khả năng tái hoạt HBV sau khi ngừng thuốc. Tuân thủ chế độ ăn uống, sinh hoạt khoa học, hợp lý.
Lê Nga