"Việc rút dự luật là một quyết định quan trọng và giống như nhiều quyết định khác của các quan chức Hong Kong, nó phải được sự chấp thuận của Chủ tịch Tập Cận Bình", một nguồn tin cho hay.
Nguồn tin cũng khẳng định chính quyền Hong Kong không có nhiều lựa chọn trong việc xử lý những khủng hoảng chính trị do dự luật dẫn độ sửa đổi mang lại, trong bối cảnh chính phủ Trung Quốc đang phải cân nhắc nó trong tương quan mối quan hệ Mỹ - Trung. "Đó không còn là vấn đề giữa Hong Kong với chính quyền trung ương", nguồn tin cho biết.
Nguồn tin thứ hai cho hay xét từ góc độ an ninh, việc Hong Kong xin ý kiến Bắc Kinh trước khi rút dự luật dẫn độ là điều hiển nhiên và hợp lý. Nguồn tin này cũng khẳng định đây "không phải vấn đề trong phạm vi có thể xử lý của chính quyền Hong Kong".
Các thông tin này xuất hiện ba tuần sau khi trưởng đặc khu Hong Kong Carrie Lam rút dự luật dẫn độ nhằm đáp ứng một trong những yêu sách của người biểu tình ngày 4/9.
"Chính quyền sẽ chính thức rút dự luật để xóa tan mọi lo ngại của người dân", bà Lam nói trong bài phát biểu khoảng 10 phút được phát trên toàn bộ các kênh truyền hình ở Hong Kong. Trưởng đặc khu Hong Kong nói thêm rằng "chính quyền trung ương hiểu lý do tại sao chúng tôi phải làm điều đó, họ tôn trọng quan điểm của tôi và ủng hộ tôi suốt chặng đường".
Hong Kong đang trải qua cuộc khủng hoảng nghiêm trọng nhất kể từ khi được Anh trao trả cho Trung Quốc năm 1997. Biểu tình bùng phát từ 9/6, gây ảnh hưởng lớn đến tình hình kinh tế, chính trị và xã hội của thành phố.
Một nguồn tin chính phủ Trung Quốc cho hay, chính quyền đặc khu thường nộp báo cáo cho Bắc Kinh thông qua Văn phòng các vấn đề Hong Kong và Macau hoặc Văn phòng liên lạc Bắc Kinh tại Hong Kong. Các báo cáo quan trọng sẽ được đệ trình lên văn phòng của Chủ tịch Tập Cận Bình.
Mai Lâm (Theo SCMP)