
Các hộp vây cá mập được giấu trong hai container có nguồn gốc từ Ecuador. Ảnh: AFP.
"Mỗi lô hàng, nặng 13 tấn, đã phá kỷ lục tịch thu 3,8 tấn vây cá mập trước đó vào năm 2019", Danny Cheung Kwok-yin, một quan chức hải quan Hong Kong nhấn mạnh trong một báo cáo hôm 5/5. Ước tính 38.500 con cá mập, trong đó có những loài đang bị đe dọa tuyệt chủng, đã bị giết hại trong vụ buôn lậu này.
Cá mập là động vật săn mồi đỉnh bảng trong chuỗi thức ăn đại dương, nên con người chịu trách nhiệm chính cho việc quần thể loài giảm mạnh trong những thập kỷ gần đây. Các tàu đánh cá thường chỉ cắt vây cá mập, sau đó ném chúng xuống biển để tối ưu hóa lợi nhuận. Không còn vây, cá mập mất khả năng bơi và chết chìm dưới đáy đại dương.
Vây cá mập khô có giá trị rất cao trên thị trường và thường được phục vụ trong các món súp tại nhà hàng sang trọng. Việc buôn bán và tiêu thụ loại sản phẩm động vật này không phải bất hợp pháp ở Hong Kong nhưng phải được cấp phép. Các quan chức hải quan ước tính hai lô hàng mới bị thu giữ có tổng giá trị lên tới 8,6 triệu USD.
Mặc cho các nhà hoạt động vì môi trường nỗ lực vận động tẩy chay các món ăn từ vây cá mập, một cuộc khảo sát từ Quỹ Động vật hoang dã Thế giới (WWF) cho thấy có tới 7 trong số 10 người được hỏi ở Hong Kong đã từng ăn vây cá mập vào năm 2018.
"Vẫn còn giá trị văn hóa mạnh mẽ đối với việc tiêu thụ vây cá mập, đặc biệt là trong các sự kiện như đám cưới, tiệc kinh doanh hay các cuộc họp mặt gia đình", nhà bảo tồn Gloria Lai Pui-yin cho biết. Tổ chức Wild Aid ước tính khoảng 73 triệu con cá mập bị giết mỗi năm trên thế giới để lấy vây.
Với hệ thống cảng biển sầm uất, Hong Kong từ lâu đã trở thành một thị trường lớn đối với những kẻ buôn lậu động vật hoang dã. Nhập khẩu các sản phẩm liên quan đến động vật có nguy cơ tuyệt chủng mà không có giấy phép ở Hong Kong có thể bị phạt 1,3 triệu USD và nhận án tù lên tới 10 năm.
Đoàn Dương (Theo AFP/IFL Science)