Sau khi Trung Quốc đại lục đình chỉ vận chuyển heo sống đến Hong Kong vì dịch tả heo châu Phi, người tiêu dùng tại đây cảm thấy thiếu thịt heo là một vấn đề lớn. "Bất kỳ gia đình người Hoa nào cũng cần xương heo để nấu súp ít nhất hai lần một tuần", khách hàng tại chợ Mei Foo nói.
Thịt heo là món chính trong chế độ ăn của người Hong Kong, từ bánh bao đến súp Quảng Đông. Để đáp ứng nhu cầu, thành phố nhập khoảng 4.000 con heo sống từ Trung Quốc mỗi ngày để bổ sung cho khoảng 500 con hoặc hơn, được nuôi tại chỗ.
Khan hiếm thịt heo đã khiến giá tăng vọt, lên tới 159 đôla Hong Kong (20,31 USD) mỗi kg. Hồi tháng 1/2019, một kg thịt heo chỉ mới khoảng 75,7 đôla Hong Kong. Trong khi đó, một người Hong Kong trung bình tiêu thụ 664g thịt heo và bò mỗi ngày, gấp khoảng 4 lần so với người Anh. Do đó, thành phố đang cố gắng tìm nguồn cung mới trong khu vực.
Bộ Nông nghiệp, Ngư nghiệp và Bảo tồn Hong Kong sẽ đến Singapore vào tháng tới để học cách nhập khẩu heo sống từ Malaysia bằng đường biển. Họ cũng tìm hiểu xem liệu có thể tăng cường nhập khẩu từ Thái Lan, Malaysia và thậm chí là Hàn Quốc không. Kể từ tháng 8, xuất khẩu thịt heo Thái Lan sang Hong Kong đã tăng 40%, theo Surachai Sutthitham, Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi heo Thái Lan.
Chuyên gia an ninh lương thực Paul Teng từ Đại học Công nghệ Nanyang cho biết, việc Hong Kong tìm đến Đông Nam Á để giảm bớt tình trạng thiếu thịt heo là khá lạ vì khu vực này có xu hướng sản xuất vừa đủ và ít có thặng dư để xuất khẩu.
Bên cạnh đó, khu vực này cũng có vấn đề với dịch tả heo châu Phi. Tại Đông Nam Á, hai nhà sản xuất thịt heo lớn là Việt Nam và Philippines đều đã ghi nhận có dịch. Chỉ còn Malaysia chưa công bố.
Tuy nhiên, về tổ chức thị trường, Hong Kong xem Singapore là nơi có thể học hỏi nhiều điều, dù nước này chỉ nhập khoảng 126.000 tấn thịt heo mỗi năm, bằng một phần tư so với Hong Kong.
Nhập khẩu thịt heo Singapore được chia thành ba loại: heo sống từ Pulau Bulan ở Indonesia và Sarawak, Malaysia; thịt heo đông lạnh từ 23 quốc gia, và thịt heo ướp lạnh từ 8 quốc gia.
Singapore chỉ nhập khoảng 1.000 con heo mỗi ngày từ Pulau Bulau. Chúng được chuyển đến trên một sà lan và được kiểm tra dáng đi, tình trạng cơ thể và màu da. Heo vượt qua kiểm tra được gắn nhãn màu hồng, sau đó được giết mổ và bán dưới dạng thịt ướp lạnh. Hong Kong đang cân nhắc xem liệu có thể nhập khẩu heo sống theo cách tương tự hay không.
Nhưng quan trọng hơn, chính thái độ của Singapore đối với thịt heo đông lạnh có thể là kinh nghiệm lớn nhất cho Hong Kong. Năm 2008, Singapore phát động một chương trình giáo dục công chúng, khuyến khích người tiêu dùng mua thịt đông lạnh để giảm sự phụ thuộc vào thịt tươi hoặc ướp lạnh.
Chiến dịch này giúp tăng tiêu thụ thịt heo đông lạnh từ 57.600 tấn trong năm 2008 lên 71.900 tấn trong năm 2012, trong khi tiêu thụ thịt ướp lạnh giảm 1.700 tấn trong cùng kỳ. Kể từ đó, giá thịt heo đã ổn định đáng kể ở Singapore. Năm ngoái thịt nạc ướp lạnh có giá 13,73 đôla Singapore mỗi kg (10 USD mỗi kg), tăng khoảng 1 đôla Singapore trong một thập kỷ.
Các chuyên gia nói rằng Hong Kong cũng có thể khuyến khích người tiêu dùng mua thịt đông lạnh để giảm phụ thuộc vào việc nhập heo sống. Năm 2002, thịt heo đông lạnh chiếm 46% lượng thịt heo nhập khẩu của Hong Kong, lợn sống chiếm 51% và thịt heo ướp lạnh chiếm phần còn lại.
Một lợi thế của thịt heo đông lạnh là nó có thể được nhập khẩu từ xa hơn, mở ra sự đa dạng hơn về nguồn cung, từ nơi không bị ảnh hưởng bởi dịch tả heo châu Phi.
"Bằng cách mua từ nhiều nguồn khác nhau, nguy cơ phụ thuộc vào bất kỳ một nguồn nào sẽ giảm và cho phép chúng tôi khai thác hoặc tăng cường các nguồn khác khi nguồn truyền thống bị gián đoạn", Cơ quan Thực phẩm Singapore nói.
Ông Paul Teng cho rằng, con đường mà Hong Kong nên theo đuổi là tăng cường nhập khẩu thịt heo đông lạnh từ các quốc gia như Mỹ, Tây Ban Nha, Đan Mạch, Đức và Canada.
Tuy nhiên, có một số hạn chế đối với việc nhập khẩu thịt heo đông lạnh từ những nơi xa. Một trong số đó là chi phí. Ông Teng cho biết, Singapore có khả năng đối phó với giá cao tốt hơn nhiều nơi trong khu vực. Hộ gia đình trung bình nước này chỉ chi 20,3% ngân sách cho thực phẩm, so với 35 đến 45% ở Indonesia hoặc Philippines. Tại Hong Kong, chi phí thực phẩm chiếm 27% ngân sách hộ gia đình trung bình, theo khảo sát năm 2014-2015.
"Chúng tôi có thể trả nhiều hơn chút vì ngay cả khi giá tăng lên một ít, hộ gia đình trung bình vẫn có thể mua được. Singapore có lợi thế lớn vì là một quốc gia tương đối giàu có, đủ khả năng mua thịt heo sạch từ xa", ông nói.
Một vấn đề khác khiến người Hong Kong khó chấp nhận thịt heo đông lạnh như một sự thay thế xứng đáng là niềm tin về ẩm thực và tín ngưỡng. Angel Leung, sinh viên luật 21 tuổi, cho biết nhiều người thích hương vị của thịt mới giết mổ và tin rằng nhiệt độ thấp để đông lạnh sẽ làm hỏng thịt.
"Bà tôi luôn nói rằng, đối với Tết Nguyên đán hoặc các sự kiện lễ hội như khai trương cửa hàng thì cần phải có heo sữa quay chất lượng tốt nhất. Bởi vì nó dành cho các vị thần nên tốt hơn không mua thịt heo đông lạnh", cô nói thêm.
Phiên An (theo SCMP)