"Việc sở hữu các loại xe đắt tiền, đặc biệt ngay sau khi thuê nhà ở xã hội, là manh mối quan trọng về lạm dụng mô hình nhà ở này", một quan chức Hong Kong cho biết trên Financial Times tháng trước. Ông tiết lộ nhà chức trách điều tra sự việc này sau khi nhận nhiều lời phàn nàn của người dân.
Theo quy định, để nộp đơn xin thuê nhà ở xã hội, trần thu nhập của một gia đình 4 người là 30.950 đôla Hong Kong (gần 4.000 USD) một tháng. Họ cũng không được có tài sản ròng vượt quá 590.000 HKD. Người thuê phải trả lại nhà nếu thu nhập hàng tháng vượt 154.750 HKD hoặc tài sản ròng trên 3,1 triệu HKD.
Heron Lim - nhà kinh tế học tại Moody’s Analytics cho biết nhà ở xã hội là nơi dành cho lao động thu nhập thấp tại thành phố đắt đỏ này. Giá thuê trung bình một căn là 2.297 HKD.
Một số người buộc phải trả lại nhà sau khi bị phát hiện làm giả tài liệu thu nhập và không kê khai tài sản đúng. Hai năm qua, giới chức đã thu hồi 5.000 căn hộ từ người thuê.
Hong Kong là một trong những thành phố có chênh lệch giàu nghèo và nhà ở đắt đỏ nhất thế giới. Số liệu từ tổ chức nghiên cứu Urban Reform Institute năm ngoái cho thấy giá nhà trung bình ở đây gấp 19 lần thu nhập của các hộ gia đình. Tỷ lệ này cao hơn nhiều so với Singapore, Anh và Mỹ.
Từ 2022 - thời điểm Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) bắt đầu nâng lãi suất năm 2022 - giá nhà tại Hong Kong giảm hơn 20%. Nguyên nhân là các ngân hàng tăng lãi suất cho vay mua nhà khiến nhu cầu giảm sút, từ đó kéo giá xuống. Hiện mức giá trung bình mỗi căn hộ 40 m2 là 5 triệu HKD (640.000 USD), vẫn cao so với thu nhập người dân.
Hiện tại, hơn 25% trong số 7,5 triệu người dân sống trong nhà ở xã hội được chính quyền trợ cấp, với nhiều loại diện tích khác nhau. Chính quyền khuyến cáo diện tích căn hộ ít nhất 26 m2 với trên 2 người ở. Thời gian chờ được thuê nhà là gần 6 năm. Ngoài nhà ở xã hội, hơn 200.000 người sống trong các căn hộ siêu nhỏ được gọi là "nhà quan tài". Diện tích của chúng khoảng 13 m2, với giá thuê hàng tháng 5.000 HKD.
Hong Kong hiện chịu nhiều sức ép, khi nhu cầu mua đất giảm do tăng trưởng kinh tế chậm lại và khủng hoảng bất động sản tại Trung Quốc kéo dài. Khoản từ đất đóng góp 20% thu ngân sách cho thành phố này.
Ngân sách giảm và chi phí xây dựng tăng khiến chính quyền đặc khu khó cung cấp thêm nhiều nhà ở xã hội cho người dân. Giới chức dự định tăng tiền thuê loại nhà này thêm 10% năm nay, một phần để có quỹ xây thêm 146.000 căn khác trong 5 năm tới. Giới chức Hong Kong và Trung Quốc đại lục cũng gây sức ép lên các tài phiệt bất động sản và doanh nghiệp địa ốc để tăng nguồn cung nhà ở xã hội.
Hà Thu (theo FT, SCMP)