Quyết định được đưa ra sau khi cảnh sát Hong Kong đề nghị có lệnh cấm tiết lộ tên, địa chỉ nhà, địa chỉ email, số điện thoại và các thông tin cá nhân khác. Tòa án đồng ý yêu cầu này và ban hành lệnh cấm được cho là có hiệu lực tới 8/11, trong đó cấm các hành vi "quấy rối" và "phá hoại".
Cảnh sát Hong Kong cho biết hồi tháng 8 rằng hơn 1.600 sĩ quan và các thành viên gia đình trở thành nạn nhân của việc đánh cắp thông tin. Lực lượng phải chịu rất nhiều phiền toái, thậm chí nhận được các cuộc gọi đe dọa tới tính mạng.
"Ngay cả khi nghỉ phép, chúng tôi cũng không thể tận hưởng thời gian nghỉ ngơi bình thường. Người biểu tình còn xuất hiện ở lễ cưới của các cảnh sát", một chỉ huy cảnh sát cấp cao Hong Kong nói về áp lực cực độ mà lực lượng này phải chịu trong thời gian qua.
Trong các cuộc đụng độ kéo dài nhiều tháng ở Hong Kong, người biểu tình đã có những hành vi quá khích như ném gạch đá, bom xăng, đốt phá ga tàu điện ngầm, buộc cảnh sát phải dùng nhiều biện pháp như vòi rồng và hơi cay. Cảnh sát Hong Kong cũng nhiều lần rút súng hoặc bắn chỉ thiên khi đối đầu với người biểu tình và cảm thấy bị đe dọa tính mạng.
Biểu tình Hong Kong bùng phát từ đầu tháng 6 để phản đối dự luật dẫn độ cho phép Hong Kong đưa nghi phạm tới xét xử tại một số khu vực tài phán, trong đó có Trung Quốc đại lục. Trưởng đặc khu Carrie Lam tuyên bố rút hoàn toàn dự luật và đề xuất đối thoại với người biểu tình hồi đầu tháng 9, nhưng nỗ lực này không ngăn được người biểu tình tiếp tục tuần hành vào các dịp cuối tuần.
Ngọc Ánh (Theo Reuters)