Đầu tháng 3, Hong Kong (Trung Quốc) yêu cầu mỗi khách du lịch chỉ được mang ra tối đa hai hộp sữa 900gram. Kể từ đó, số lượng người bị bắt vì buôn lậu sữa bột ở đây còn nhiều hơn vận chuyển heroin.
Tính đến ngày 23/4, 879 người đã bị bắt với hơn 8.800 kg sữa bột, Calvin Lee - một nhân viên cảnh sát cho biết. Trong khi đó, năm ngoái, số người bị bắt vì buôn lậu ma túy qua biên giới chỉ là 420 người.
Nguyên nhân là người Trung Quốc đang đổ xô sang đặc khu hành chính này để vơ vét sữa ngoại, nhất là sau scandal nhiễm melamine năm 2008 khiến 6 trẻ sơ sinh thiệt mạng và hàng trăm nghìn trẻ khác mắc bệnh. Ba công ty sữa hàng đầu Trung Quốc đều bị phát hiện có chứa chất này.
Mỗi khách du lịch ra khỏi Hong Kong chỉ được mang hai hộp sữa bột. Ảnh: Bloomberg |
Ngoài Hong Kong, Anh và New Zealand cũng phải hạn chế lượng mua các sản phẩm sữa nổi tiếng như Aptamil của Danone hay Enfamil của Mead Johnson. James Roy, nhà phân tích tại China Market Research cho biết: "Phần lớn các bậc phụ huynh Trung Quốc chỉ có một con. Vì vậy, họ đều muốn con mình được chăm sóc tốt nhất".
Năm ngoái, doanh số bán sữa công thức tại Trung Quốc đã tăng 29% lên 15,4 tỷ USD, gấp bốn lần Mỹ, theo khảo sát của Mintel Group. Giá sữa bột bán lẻ ở đây cũng cao hơn cả Hong Kong, Macau và Đài Loan (Trung Quốc).
Tâm lý của người tiêu dùng đã khiến các sản phẩm sữa của Danone, Nestle và Mead Johnson chiếm thị phần lớn tại Trung Quốc trước các đối thủ nội như Mengiu hay Yili.
Năm ngoái, lợi nhuận hoạt động của Mengniu giảm 16% và doanh thu cũng xuống 3,5%. Hãng giải thích là do chất lượng thực phẩm và scandal vệ sinh khiến niềm tin người tiêu dùng giảm mạnh. Trong khi đó, Mead Johnson, đóng góp 30% doanh số tại Trung Quốc, lại có lợi nhuận tăng 12% và doanh thu tăng 6,1%.
Helen Li thường xuyên mua sữa online hoặc nhờ bạn bè mang về. Cô cho biết: "Vấn đề vệ sinh thực phẩm là điều tôi quan tâm nhất. Tôi cảm thấy mua sản phẩm của Đức an toàn hơn nhiều".
Tại Hong Kong (Trung Quốc), việc ngăn chặn buôn bán sữa bột đã khiến cảnh sát và hải quan ở đây hết sức bận rộn. Ngày 8/4 vừa qua, họ còn phát hiện một nhóm người đang giữ hơn 4.000 kg sữa trị giá 141.700 USD.
Tháng 9 năm ngoái, New Zealand cho biết sẽ ngăn chặn tình trạng "xuất khẩu trái phép" sữa bột bằng cách phạt tới 42.700 USD. Các siêu thị ở Anh và Đức cũng vừa phải hạn chế số lượng mua hàng.
Heiko Schipper, giám đốc bộ phận thực phẩm - đồ uống tại Nestle Trung Quốc cho biết: "Tất cả những scandal này đều chẳng có lợi cho công ty nào cả. Tuy nhiên, tôi có thể thông cảm cho tâm lý của mọi người. Vì khi đề cập đến sức khỏe con cái, thật khó để nói với họ rằng: Anh đang phản ứng quá đà đấy".
Thùy Linh (theo Bloomberg)