Các cuộc bắt giữ diễn ra sau khi Hong Kong chứng kiến đụng độ gay gắt giữa cảnh sát và người biểu tình, buộc cảnh sát phải dùng biện pháp mạnh như đạn hơi cay, bắn chỉ thiên cảnh cáo và vòi rồng.
Trước đó một ngày, cảnh sát đặc khu bắt 29 người biểu tình, gồm Ventus Lau, người tổ chức cuộc tuần hành ngày 24/8 với cáo buộc "tập trung bất hợp pháp, sở hữu vũ khí trái phép và tấn công cảnh sát".
"Việc leo thang các hành vi bất hợp pháp và bạo lực của người biểu tình cực đoan không chỉ gây phẫn nộ, mà còn đẩy Hong Kong đến bờ vực nguy hiểm", chính quyền đặc khu Hong Kong hôm nay ra tuyên bố.
Đụng độ quay trở lại một tuần sau khi biểu tình ở Hong Kong chủ yếu diễn ra ôn hòa. Nhiều cuộc biểu tình tiếp tục được lên kế hoạch trong những ngày tới, như tại trụ sở Cathay Pacific Airlines ngày 28/8, nhằm phản đối nhận thức về "khủng bố trắng", thuật ngữ mô tả các hành động ẩn danh tạo ra bầu không khí sợ hãi.
Biểu tình chống dự luật dẫn độ sửa đổi, cho phép dẫn độ nghi phạm tới các quốc gia và vùng lãnh thổ chưa ký hiệp ước với Hong Kong, trong đó có Trung Quốc đại lục, liên tiếp diễn ra từ đầu tháng 6. Trung tâm tài chính châu Á hứng chịu nhiều thiệt hại trên các lĩnh vực như kinh doanh, du lịch và bất động sản.
Bắc Kinh, với mong muốn dập tắt bất ổn trước lễ kỷ niệm 70 năm thành lập Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa ngày 1/10, đã nhiều lần cảnh báo sẽ áp dụng nhiều biện pháp và không "khoanh tay đứng nhìn" nếu chính quyền đặc khu không thể kiểm soát tình hình.
Ngọc Ánh (Theo Reuters)