Chị Hạnh, tiểu thương chợ Gò Vấp cho biết, tháng nay hồng Trung Quốc và Đà Lạt về chợ rất nhiều. Tuy nhiên, loại hồng trái dẹt của Trung Quốc dễ bán hơn hẳn vì mẫu mã đẹp, độ đồng đều cao lại không chát.
Trong khi đó, hồng giòn Đà Lạt chỉ để 3-5 ngày là chín mềm nên bảo quản khó. Mỗi kg hồng giòn Đà Lạt hiện có giá 25.000 đồng, còn của Trung Quốc đắt hơn 5.000 đồng. "Thế nhưng, khách mua hồng Trung Quốc nhiều hơn vì chúng ăn ngọt, giòn, lại không bị mềm", chị Hạnh nói và cho biết thường lấy hàng theo tỷ lệ 60/40 (tức hồng Trung Quốc 60%, còn lại là trong nước).
Cũng đang bán hồng giòn Trung Quốc, chị Linh, chủ xe đẩy trên đường Nguyễn Oanh (Gò Vấp) cho hay, mỗi ngày chị bán khoảng 40 kg.
Theo chị Linh, hồng Đà Lạt trái nhỏ, độ chín không đều ... nên bán khá chậm. Vì vậy, chị ưu tiên lấy hàng Trung Quốc bán vừa hút khách, vừa bảo quản được lâu.
Không chỉ hồng giòn mà gần đây loại hồng mật của Trung Quốc cũng khá đắt khách dù có giá lên tới 100.000-120.000 đồng mỗi kg.
Chị Huyền ở quận Thủ Đức cho biết, loại hồng mật này là hàng ngon của Trung Quốc, chúng không hạt, giòn, ngọt đậm đà nên khách rất chuộng. Chị về 2 đợt, mỗi đợt nửa tấn nhưng đều được khách mua hết.
"Loại này rất ngon, chất lượng không khác gì hàng Nhật nhưng giá lại rẻ hơn. Do đó, không chỉ ăn mà mua biếu cũng khá sang", chị Huyền nói.
Báo cáo của chợ đầu mối Thủ Đức cho thấy, từ ngày 13/8 đến 7/10, tổng lượng hồng Trung Quốc nhập về chợ đạt 4.370 tấn, đặc biệt từ đầu tháng 10 đến nay bình quân 110-115 tấn một ngày.
Trong khi đó, tổng lượng hồng Đà Lạt về chợ sớm hơn, tức từ 22/7-7/10 nhưng chỉ đạt 2.008 tấn, bằng một nửa so với lượng hàng Trung Quốc.
Theo đại diện chợ đầu mối nông sản Thủ Đức, sở dĩ hồng Trung Quốc về chợ ồ ạt là vì sức tiêu thụ mạnh, giá cả cạnh tranh. Mặt khác, hàng Trung Quốc đang rộ vụ nên sản lượng lớn.
Hồng Châu